Nghiên cứu cho thấy một số loại sơn công nghiệp có hàm lượng chì cao đang được bán cho người tiêu dùng tại Việt Nam. Tất cả các mẫu sơn trang trí đều đáp ứng quy chuẩn giới hạn hàm lượng chì dưới 600 ppm.
Hà Nội, Việt Nam. Một nghiên cứu mới về hàm lượng chì trong sơn gốc dung môi tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) và Mạng lưới Quốc tế loại bỏ các chất gây ô nhiễm(IPEN) công bố ngày hôm nay cho thấy một số sản phẩm sơn công nghiệp có hàm lượng chì cao vẫn được bán cho người tiêu dùng. Theo kết quả nghiên cứu, một mẫu sơn công nghiệp màu vàng của công ty sản xuất sơn trong nước có chứa hàm lượng chì cao nhất ở mức 92.400 ppm – cao hơn 150 lần so với tổng giới hạn hàm lượng chì theo quy định là 600 phần triệu (ppm) trong sơn. Ngoài ra còn có sáu mẫu sơn công nghiệp khác có hàm lượng chì cao hơn mức giới hạn cho phép này. Mặt khác, tất cả 19 mẫu sơn trang trí và 3 mẫu sơn chống ăn mòn được thu thập và phân tích trong nghiên cứu đều có hàm lượng chì dưới ngưỡng 600 ppm. Kết quả nghiên cứu được công bố vào thời điểm Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc chì (ILPPW) được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 10 năm 2021.
Việc sản xuất, nhập khẩu, và bán các sản phẩm sơn có hàm lượng chì vượt ngưỡng 600 ppm bị cấm theo Quy chuẩn Kỹ thuật Việt Nam về Giới hạn Tổng Hàm lượng Chì trong Sơn được thông qua vào tháng 12 năm 2020. Quy chuẩn này có hiệu lực từ tháng 7 năm 2022 và giới hạn hàm lượng chì sẽ tiếp tục được hạ xuống ở mức 90 ppm bắt đầu từ tháng 7 năm 2027.
“Ảnh hưởng của chì đối với sự phát triển não bộ của trẻ em là không thể can thiệp và mang tính suốt đời. Đặc biệt, trẻ từ 6 tuổi trở xuống là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm độc chì nhất”, bà Nguyễn Kim Thuý, Giám đốc điều hành CGFED cho biết. “Chúng tôi muốn bảo vệ trẻ em khỏi những tiếp xúc không cần thiết với các loại sơn chứa chì được sử dụng để trang trí trong các hộ gia đình, đồ nội thất, thiết bị vui chơi và đồ chơi; đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 khi mà trẻ hầu như phải ở nhà và chơi trong nhà.”, bà Thuý chia sẻ thêm.
Ông Jeiel Guarion, Nhà vận động Loại bỏ Sơn chì Toàn cầu thuộc Mạng lưới Quốc tế loại bỏ các chất gây ô nhiễm (IPEN) cho biết: “Sơn có chì hiện vẫn là nguồn phơi nhiễm chì chủ yếu ở trẻ em và không có mức độ tiếp xúc nào với chì được coi là an toàn với trẻ. Các giải pháp thay thế chì an toàn và hiệu quả hơn về chi phí hiện đang được phổ biến rộng rãi cho tất cả các loại sơn, kể cả sơn công nghiệp. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong khi các sản phẩm sơn trang trí bán ở Việt Nam không chứa chì, một số sản phẩm sơn công nghiệp có chứa hàm lượng chì ở mức cực cao lại được bày bán ở nhiều cửa hàng trực tuyến và cửa hàng bán lẻ trên khắp cả nước. Khi chúng tôi tổ chức Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì năm nay, IPEN và CGFED kêu gọi Chính phủ Việt Nam sớm thực thi Quy chuẩn Kỹ thuật về Hàm lượng Chì trong Sơn đã được thông qua gần đây để cấm việc sử dụng chì trong tất cả các loại sơn”.
Từ tháng 7/2020 đến tháng 1/2021, CGFED đã mua tổng cộng 40 mẫu sơn pha dung môi đại diện cho 14 nhãn hiệu sản xuất bởi 13 nhà sản xuất sơn từ các cửa hàng bán lẻ và cửa hàng trực tuyến trên internet tại Việt Nam. Các mẫu sơn được thu thập bao gồm 19 mẫu sơn trang trí, 18 mẫu sơn công nghiệp, và 3 mẫu sơn chống ăn mòn. 20 mẫu sơn thuộc bốn nhãn hiệu được sản xuất bởi các công ty sơn có trụ sở tại Hà Lan, Thái Lan và Mỹ.
Những phát hiện chính từ Báo cáo Sơn Chì tại Việt Nam: Khảo sát nồng độ chì trong sơn gốc dung môi và thực trạng phơi nhiễm chì trong các thợ sơn và trẻ mầm non bao gồm:
- 7/18 mẫu sơn công nghiệp gốc dung môi (39%) có hàm lượng chì trên 90 ppm. Hơn nữa, có 3 mẫu sơn công nghiệp (17%) có hàm lượng chì cực cao, trên 10.000 ppm.
- Hàm lượng chì cao nhất được phát hiện là 92.400 ppm ở mẫu sơn công nghiệp màu vàng do công ty sơn của Việt Nam sản xuất.
- Tất cả 19 mẫu sơn trang trí và 3 mẫu sơn chống ăn mòn đều có hàm lượng chì dưới 90 ppm, chứng tỏ công nghệ sản xuất sơn không pha thêm chì có tồn tại ở Việt Nam.
- Chỉ có 3/40 mẫu sơn (8%) cung cấp thông tin về chì trên nhãn bao bì, và hầu hết các mẫu sơn đều có rất ít các thông tin về thành phần. Không có cảnh báo phòng ngừa nào về ảnh hưởng của bụi chì đối với trẻ em và phụ nữ có thai.
- Nồng độ chì máu trung bình (BLL) của 48 trẻ mẫu giáo là 5,27 µg/dL, thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam (10 µg/dL) nhưng cao hơn một chút so với tiêu chuẩn của CDC Mỹ (5 µg/dL).
- Trẻ sống trong các gia đình có tường sơn có hàm lượng chì trung bình ở mức 5,38 µg/dL; trong khi đó, trẻsống trong những gia đình không có tường sơn có hàm lượng chì trung bình ở mức 4,60 µg/dL.
- BLL cao nhất ở mức 20,72 µg/dL được phát hiện ở một bé trai 5 tuổi, có thể là do gia đình đã cho bé uống thuốc cam – một loại thuốc y học cổ truyền và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em tại Việt Nam.
- BLL của 60 thợ sơn, công nhân sơn là 3,90 µg/dL, thấp hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam (10 µg/dL) và tiêu chuẩn của CDC Hoa Kỳ (5 µg/dL).
Với việc thông qua Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàm lượng chì trong sơn vào cuối năm 2020, Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba ban hành quy định này sau Philippines vào năm 2013 và Thái Lan vào năm 2016.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận sơn chì là nguồn chính gây ra tình trạng “chậm phát triển trí tuệ do chì”, một căn bệnh được WHO xác định là một trong mười căn bệnh hàng đầu mà gánh nặng về sức khoẻ ở trẻ em là do các yếu tố về môi trường có thể điều chỉnh được gây ra.[1]
Các khuyến nghị chính được đưa ra trong báo cáo bao gồm:
- Chính phủ: 1) Ban hành các chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể về phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2020 về Chì trong sơn; 2) Yêu cầu nhà sản xuất Sơn phải hiển thị đầy đủ thông tin về hàm lượng chì trên nhãn sơn và cảnh báo rõ về nguy cơ trẻ em tiếp xúc với chì khi bề mặt sơn bị hư hỏng và bong tróc; và 3) tăng cường kiểm soát chất lượng sơn để đảm bảo sơn bán ra thị trường phù hợp với giới hạn quy định.
- Ngành công nghiệp sơn: 1) Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA) hỗ trợ và đốc thúc các nhà sản xuất sơn là thành viên Hiệp hội tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chì trong sơn; và 2) quảng cáo sơn không chì thông qua chứng nhận sơn không chứa chì của bên thứ ba độc lập.
- Người tiêu dùng: Mua và sử dụng sơn không chì, đặc biệt là ở những nơi trẻ em thường xuyên sử dụng như nhà, trường học, trung tâm y tế, công viên và sân chơi, đồng thời yêu cầu công bố đầy đủ các thông tin liên quan đến sản phẩm sơn trên nhãn hàng.
Giới thiệu về chúng tôi:
IPEN: Mạng lưới Quốc tế loại bỏ các chất gây ô nhiễm (IPEN) là một mạng lưới gồm hơn 600 tổ chức Phi chính phủ hoạt động tại hơn 120 quốc gia nhằm giảm thiểu và loại bỏ tác hại của các hoá chất độc hại đối với sức khoẻ con người và môi trường. IPEN đã thực hiện các nghiên cứu về chì trong sơn tại hơn 50 quốc gia và là thành viên của Hội đồng tư vấn Liên minh toàn cầu về Loại bỏ sơn chì. Để biết thêm chi tiết, mời xem tại website của chúng tôi: www.ipen.org.
CGFED: Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) là một tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam được thành lập từ năm 1993. CGFED hành động vì bình đẳng giới dựa trên nền tảng tôn trọng quyền tự do, sự đa dạng và quyền của con người. Các vấn đề chính mà CGFED tập trung ưu tiên bao gồm quyền tình dục cho thanh niên; nâng cao và trao quyền cho các nhóm thiểu số, nghèo; và bảo vệ con người, đặc biệt là bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi các hoá chất độc hại. CGFED hành động thông qua nghiên cứu, giáo dục về môi trường, hỗ trợ phát triển cộng đồng, tập huấn, đào tạo và vận động chính sách.Để biết thêm chi tiết, xin mời xem tại website: http://cgfed.org.vn
Để biết thêm thông tin về chiến dịch, mời liên hệ:
- Bà Nguyễn Kim Thuý, Giám đốc điều hành CGFED, nkthuy@cgfed.org.vn
- Ông Jeiel Guarino, Điều phối Chiến dịch Loại bỏ Sơn chì Toàn cầu, IPEN, jeielguarino@ipen.org
Để tải toàn bộ tóm tắt báo cáo, mời xem tại link này: Tóm tắt báo cáo Sơn chì tại Việt Nam 2021-compressed
Để tải toàn bộ báo cáo đầy đủ bản tiếng Việt, mời xem tại đây: ipen-2021-lead-paint-vietnam_vietnamese-compressed
Để tải toàn bộ báo cáo đầy đủ bản tiếng Anh, mời xem tại đây: ipen-2021-lead-paint-vietnam_english-compressed
[1] World Health Organization. Lead poisoning and health (2015). Available from: http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs379/en/.
Hà Nội, ngày 27/10/2021