“Nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy tất cả 20 trẻ mầm non tham gia nghiên cứu đều có hàm lượng chì máu cao hơn mức độ tham chiếu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) – là 3,5 µg/dL. Cụ thể, hàm lượng chì máu trung bình của trẻ em tham gia nghiên cứu là 4,75 µg/dL, thấp nhất là 3,59 µg/dL và cao nhất là 9,77 µg/dL.” – Bà Nguyễn Kim Thúy, giám đốc điều hành CGFED cho biết.
“Trẻ em Việt Nam không thể chờ đợi, hãy loại bỏ sơn chì ngay!” là thông điệp kêu gọi của các nhóm hành động vì sức khoẻ cộng đồng nhân dịp Tuần Lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì năm nay, 2022.
Cũng trong Tuần lễ hành động này, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) một lần nữa nhấn mạnh Những nguy cơ của sơn chì đối với trẻ em.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy không có mức độ phơi nhiễm chì nào là an toàn. Chì là một chất độc mạnh, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có hại với trẻ nhỏ. Mặc dù ở liều lượng thấp, chì vẫn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi như giảm khả năng chú ý và gia tăng các hành vi chống đối xã hội, giảm khả năng học hành. Phơi nhiễm chì cũng có thể gây tổn thương thận, cơ quan sinh sản, và hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng thiếu máu và tăng huyết áp. Các tác động đến thần kinh và hành vi của chì thường không thể khắc phục.
Hiện nay đang có sự chênh lệch đáng kể trong Tiêu chuẩn tham chiếu đối với hàm lượng chì máu ở trẻ em tại Việt Nam so với tiêu chuẩn mới ban hành năm 2021 của CDC Mỹ:
Mức độ nhiễm độc |
Tiêu chuẩn Việt Nam |
Tiêu chuẩn Mỹ |
Nhiễm độc mức độ nhẹ | Từ 10 đến < 45 μg/dL | ≥ 3,5 – 19 μg/dL |
Nhiễm độc mức độ trung bình | Từ 45 đến 70 μg/dL | từ 20 – 44 μg/dL |
Nhiễm độc mức độ nặng | > 70 μg/dL | và ≥ 45 μg/dL |
Do đó, chúng tôi kêu gọi và đề xuất:
- Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu và điều chỉnh mức giới hạn tiêu chuẩn khi xét nghiệm hàm lượng chì máu từ <10μg/dL xuống còn <3.5 μg/dL
- Có các giải pháp phòng chống nhiễm độc chì ở trẻ em khi tiếp xúc với các nguồn xung quanh môi trường sống và trường học có hiệu quả.
“Từ lâu chúng ta đã biết về những mối nguy hại từ sơn chì đối với con em và gia đình chúng ta, và nhiều quốc gia trên thế giới đã chấm dứt việc bán sơn chì từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, sơn chì vẫn được sử dụng và gây ra các nguy cơ sức khoẻ suốt đời cho hàng triệu trẻ em. Trẻ em không thể đợi thêm mười năm nữa để loại bỏ sơn chì – Chúng ta cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng nhiễm độc chì của con em mình!”, phát biểu của ông Manny Calonzo, Người đạt giải Goldman 2018, Cựu Đồng Chủ tịch Mạng lưới IPEN, và là nhà sáng lập Chương trình Chứng nhận Sơn chì An toàn của IPEN.
Ngay cả ở những quốc gia đã cấm sơn chì, những ngôi nhà cũ được sơn bằng sơn chì vẫn tiếp tục gây ra các vấn đề sức khoẻ có liên quan đến chì cho hàng triệu trẻ em. Đó là lý do vì sao hành động loại bỏ sơn chì trên toàn cầu là cấp thiết – các loại sơn chì được bày bán hiện nay sẽ tiếp tục đe doạ sức khoẻ của con em chúng ta trong nhiều thập kỷ tới.
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
- Bà Nguyễn Kim Thuý, Giám đốc điều hành CGFED, nkthuy@cgfed.org.vn
- Ông Jeiel Guarino, Điều phối Chiến dịch Loại bỏ Sơn chì Toàn cầu, IPEN, jeielguarino@ipen.org
*************************************************************************************************************************
CGFED đồng hành cùng Liên Minh Toàn cầu Loại bỏ Sơn chì (gọi tắt là Liên Minh), một chương trình chung do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) dẫn dắt, trong Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) diễn ra từ 23-29 tháng 10 năm nay, nhấn mạnh nhu cầu cấp bách cần bảo vệ sức khoẻ của trẻ em thông qua hành động loại bỏ việc sử dụng sơn chì. Các sự kiện ILPPW năm nay sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các nguy cơ nghiễm độc chì, bao gồm cả sơn chì vẫn đang tiếp tục được sản xuất và sử dụng ở hơn 50% quốc gia trên thế giới.
CGFED là một thành viên trong Mạng lưới Quốc tế Loại bỏ các Chất gây Ô nhiễm (IPEN) – một mạng lưới gồm hơn 600 tổ chức Phi Chính phủ hoạt động tại hơn 125 quốc gia trên thế giới cùng hành động để giảm thiểu và loại bỏ các chất và địa điểm độc hại. Kể từ năm 2009, các thành viên IPEN đã thực hiện hơn 100 nghiên cứu đối với hơn 4000 loại sơn từ 59 quốc gia, đồng thời cũng tìm hiểu về mức độ phơi nhiễm chì ở các đối tượng liên quan và chịu ảnh hưởng.
Các tài liệu đính kèm, mời tải tại đây:
ILPPW 2022_Thông tin gửi báo chí
Tờ thông tin chiến dịch Tuần lễ phòng chống nhiễm độc chì 2022