Nghiên cứu Giám sát Hành động Hoá chất trừ sâu dựa và cộng đồng (CPAM) được thực hiện năm 2022 tại xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, mô tả thực trạng tại cộng đồng, nơi nông dân và gia đình họ đang tiếp xúc với hoá chất trừ sâu độc hại cao trong môi trường làm việc và tại nhà của họ nhưng không hề nhận thức được tác động có hại.
Việc thu thập dữ liệu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hậu và nhóm Nữ nông dân tiên phong xã Hải Cường. Tổng số 99 nông dân (50 nữ, 49 nam) và 97 học sinh (47 nữ, 50 nam) tham gia cuộc khảo sát này. Dưới đây là một số ghi nhận về thực trạng sử dụng và Phơi nhiễm hoá chất trừ sâu tại cộng đồng.
Đối với Nông dân:
- 95% nông dân tiếp xúc với hoá chất trừ sâu qua việc sử dụng và phun hoá chất trừ sâu trên đồng ruộng và nhà của họ
- 98% nông dân quay trở lại ruộng sau khi phun hoá chất trừ sâu. Nhìn chung, nông dân thường quay lại ruộng sau 2-3 ngày phun
- Phần lớn nông dân bị ngộ độc hoá chất trừ sâu (83%, trong đó 51% nam, 48% nữ) với nhiều triệu chứng
- Các triệu chứng khác được đề cập gồm mệt mỏi, nổi mẩn ngứa da, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, loạng choạng, và thậm chí cơ thể mẩn ngứa
- Abamectin là hoá chất trừ sâu được sử dụng phổ biến nhất ở Hải Hậu (82% nông dân sử dụng), tiếp theo là nitenpyram (69%) và emamectin benzoate (52%), chủ yếu được sử dụng trong trồng lúa.
Đối với Trẻ em:
- Phần đông trẻ (74,5%) được hỏi đều đã từng nhìn thấy việc phun hóa chất trừ sâu bệnh, diệt cỏ quanh nhà hoặc trường và 70,4% trẻ từng tiếp xúc với hóa chất trừ sâu
- Có tới 16,3% trẻ từng chuẩn bị hoặc trộn hóa chất, 11,2% trẻ từng làm tại vườn có phun hóa chất và 7,2% từng ăn hoặc uống các sản phẩm tái chế đã từng đựng hóa chất trừ sâu
- Việc tiếp xúc với hóa chất, 44,9% trẻ thấy mệt mỏi, 23,5% bị chóng mặt, 28,6% bị đau đầu và 10,2% bị buồn nôn. Chỉ có 18% trẻ sau đó đi gặp bác sĩ để kiểm tra.
Từ các phát hiện trên, CGFED đề xuất một số chính sách tới các nhà quản lý và hoạch định chính sách liên quan đến Hoá chất trừ sâu tại Việt Nam như sau:
- Tăng cường phổ biến thông tin, tuyên truyền về cách sử dụng và tác hại của hóa chất trừ sâu (tập trung vào người bán và người sử dụng hóa chất)
- Tuyên truyền về tác hại của hóa chất trừ sâu và cách phòng ngừa, xử lý hóa chất trừ sâu trong cộng đồng dân cư và trường học.
- Truyền thông để người dân thay đổi hành vi bảo vệ môi trường đất, môi trường nước của cộng đồng (quy định nơi bỏ rác thải hóa chất, nơi giặt các đồ sử dụng sau khi phun hoá chất trừ sâu).
- Thúc đẩy các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nói KHÔNG với sử dụng hóa chất trừ sâu.
- Yêu cầu các công ty sản xuất hóa chất trừ sâu in thông tin trên bao bì rõ ràng, dễ đọc, dễ nhớ.
- Chính phủ cần có lộ trình giảm thiểu và tiến tới loại bỏ sử dụng hóa chất thuốc trừ sâu, đặc biệt là các loại hóa chất trừ sâu độc hại cao trong sản xuất nông nghiệp
Chi tiết báo cáo tóm tắt, mời xem tại đây.
*************************************************************
Sơ lược về Tuần lễ toàn cầu không sử dụng hoá chất trừ sâu
Ngày toàn cầu không sử dụng hoá chất trừ sâu được Mạng lưới Hành động về Hoá chất trừ sâu (PAN) Quốc tế phát động tổ chức lần đầu tiên vào năm 1998 nhằm nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm và rủi ro của việc sử dụng hoá chất trừ sâu cũng như thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững cho hoá chất trừ sâu. Từ năm 2010, chiến dịch Ngày toàn cầu không sử dụng hoá chất trừ sâu đã được kéo dài thêm một tuần, bắt đầu vào ngày 3 tháng 12 và kết thúc vào ngày 10 tháng 12 hàng năm. Các sự kiện và hoạt động hưởng ứng chiến dịch được tổ chức trong cả tuần và được PAN International và PAN các khu vực điều phối với sự cộng tác của các tổ chức đối tác. Các sự kiện tập trung vào tưởng niệm thảm họa Bhopal 1984 và thu hút sự chú ý của công chúng đến tác hại của hoá chất trừ sâu, đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động loại bỏ hoá chất trừ sâu độc hại cao. |