Talk show đa sắc 1: Những chiếc hộp về Giới ngày 11 tháng 04 năm 2013 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền là talk show đầu tiên trong loạt talk show về Giới, một chương trình do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển CGFED, và Quỹ Châu Á tổ chức. Talk show đã thu hút hơn 200 sinh viên trường Báo.
Chương trình nhằm gợi mở sự quan tâm của sinh viên báo chí về Giới, quan niệm nam tính, nữ tính, định kiến Giới, diễn ngôn về Giới và tác động của nó lên cuộc sống của các bạn trẻ. Đồng thời, chương trình cũng nhấn mạnh sự liên hệ giữa vấn đề Giới và nghề báo, nâng cao nhận thức của các nhà báo tương lai về tính nhạy cảm Giới trong khi tác nghiệp. Các câu hỏi mà chương trình đưa ra để diễn giả và các bạn sinh viên thảo luận là:
Nam tính, nữ tính là gì và được thể hiện như thế nào (qua vẻ bề ngoài, tính cách, hành vi)? Những chuẩn mực xã hội về nam tính, nữ tính xuất phát từ đâu? Các bạn có sống theo hay bị ảnh hưởng bởi những chuẩn mực đó?
Báo chí và các kênh truyền thông nói về nam tính, nữ tính như thế nào? Thế nào là nhạy cảm Giới? Cùng suy ngẫm về “sạn” về bình đẳng Giới trên truyền thông.
Dẫn dắt talk show lần này là MC Lương Thế Huy, cán bộ về quyền LGBT của iSEE, đóng vai trò giải đáp các thắc mắc cũng như chia sẻ góc nhìn chuyên môn về Giới có Tiến Sĩ (TS) Vũ Hồng Phong đến từ iSEE, Thạc Sĩ (ThS) Phạm Kim Ngọc đến từ CGFED. Khách mời của chương trình là MC, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh
Buổi talk show là cuộc trải nghiệm về Giới khi các sinh viên lần lượt khám phá chiếc hộp về Giới qua 3 phần của buổi talk show:
Phần 1: Tìm hiểu chiếc hộp về Giới
Phần 2: Nhận định định kiến Giới, trò chuyện cũng chuyên gia và sinh viên
Phần 3: Sạn về Giới trong truyền thông, giao lưu cùng MC, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh
Hơn 200 sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại talk show Đa sắc 1: Những chiếc hộp về Giới
MC Thế Huy bắt đầu chương trình: “Chúng ta hãy cũng tìm hiểu xem tại sao chúng ta phải ứng xử như cách xã hội quy định về nam tính và nữ tính? Hãy cùng tìm hiểu những gì nằm bên trong và bên ngoài chiếc hộp về Giới này”
Một hoạt động cho các bạn sinh viên, nhóm nam và nữ sẽ viết về các chuẩn mực mà xã hội mong muốn ở mình như vai trò, nghề nghiệp, cách cư xử, những màu sắc cho 2 giới v.v
Theo các bạn sinh viên nữ thì, xã hội quy định nữ tính là: điệu đà, giải trí nhẹ nhàng, ghét con trai điệu, thích quà vặt, dễ khóc, thích phim tình cảm…. Còn theo các bạn nam, xã hội quy định nam tính là: Có hoài bão lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất và tinh thần, thành đạt, chơi siêu nhân, mạo hiểm, đồ công nghệ, xem phim hành động, thích đưa đón bạn gái….
Một nữ sinh viên chia sẻ:” Nhiều bạn nữ cũng có những cá tính mạnh mẽ nhưng do chuẩn mực của xã hội về nữ tính nên phải hạn chế những cá tính này”
“Em nghĩ nam giới cũng cần những giây phút nội tâm, cảm xúc.”
TS Vũ Hồng Phong chia sẻ về xuất phát của chuẩn mực Giới: “Quan niệm và chuẩn mực về nam tính thay đổi theo thời gian, và do xã hội đặt ra tùy vào hoàn cảnh của mỗi thời kỳ, chuẩn mực về nam tính thời phong kiến là văn võ song toàn, vào thời chiến là sự hy sinh, còn vào thời nay là sự thành đạt, đây là những kỳ vọng của xã hội dành cho người nam giới.” TS Vũ Hồng Phong cũng chia sẻ thêm: “Những chuẩn mực này tạo nên áp lực cho người đàn ông, có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực khi người đàn ông, vì nhiều lý do đã không thỏa mãn được kỳ vọng này như bạo lực, đua xe, bia rượu, để được công nhận bởi một nhóm nhỏ.”
ThS Phạm Kim Ngọc chia sẻ: “ Quan niệm về nữ tính và nam tính ảnh hưởng tới hình thức, đầu tóc, phong cách ứng xử. Quan niệm về nữ tính và nam tính còn ảnh hưởng tới ngành nghề, phân chia ra nghề cho nam và cho nữ. Tuy rằng mỗi chúng ta không phải ai cũng giống ai nhưng thường sẽ đi theo xu hướng và chuẩn mực mà xã hội đặt ra.”
ThS Phạm Kim Ngọc giao lưu với các bạn sinh viên về quan niệm về Giới và ảnh hưởng của nó tới các cư xử của người nam và người nữ.
“Theo em thì các bạn nữ hay thể hiện tình cảm trực tiếp ra bên ngoài, còn các bạn nam thì luôn luôn thầm kín, nên các bạn nữ sẽ dễ khóc hơn các bạn nam.”
Theo em, một người thể hiện cảm xúc ra ngoài nhiều hay ít, cụ thể là việc khóc, là do sĩ diện của người ta, nếu một bạn nữ có sĩ diện cao vẫn sẽ không khóc trước mặt người khác”
“ Theo em thì nam giới không nên khóc, đặc biệt trước các bạn nữ, vì xã hội quy định như vậy là yếu đuối.” Đáp lại là sự đồng thanh của cả hội trường:” Đồng ý cho bạn khóc trước mặt nữ giới vì như vậy không phải là yếu đuối.”
“Nếu nam nữ đều bình đẳng, vậy nếu bạn trai em khóc khi đi xem film với em, em sẽ làm gì?””Em sẽ có cách xử lý của em ạ”
ThS Phạm Kim Ngọc nói về “sạn” về Giới trong báo chí truyền thông. ThS Ngọc chia sẻ:” Những lời nói, những lời dẫn dắt của báo chí và truyền thông hiện nay có những quan điểm định kiến Giới đã đào sâu những quan niệm định kiến của công chúng.”
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về Những chiếc hộp về Giới, MC, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cho biết chị là người thích phong cách ăn mặc khỏe khoắn và đơn giản, tóc buộc cao, không trang điểm, đặc biệt là khi chị sinh sống và học tập tại nước ngoài. Nếu chị xuất hiện với hình ảnh ấy (vốn là bình thường với chị) vào thời điểm này, công chúng sẽ thấy rất ngạc nhiên, do họ đã hình thành một chiếc hộp về một Diễm Quỳnh duyên dáng, tóc dài, nhẹ nhàng. “Nếu bạn có ý định tạo một chiếc hộp về Giới cho bản thân mình, hãy tạo 1 chiếc hộp mà bạn thấy thoải mái, chứ không phải một chiếc hộp do người khác tạo cho bạn.” Lời khuyên của chị Diễm Quỳnh cho các bạn sinh viên
Nói về vai trò của Báo chí truyền thông trong việc giúp xã hội thay đổi định kiến về Giới, MC, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh: “Báo chí và Truyền thông nên làm công việc giúp mọi người mạnh mẽ bước ra khỏi những chiếc hộp về Giới nếu họ thấy không còn hài lòng vì phải sống theo định kiến và kỳ vọng của xã hội.”
Kết thúc chương trình, ban tổ chức muốn gửi tới các bạn sinh viên và những khán giả của talk show những thông điệp về sự tự do thể hiện, tự do lựa chọn, để làm được điều mình thích, được sống là chính mình và tôn trọng sự lựa chọn khác biệt của người khác, nếu điều đó không ảnh hưởng đến quyền của người khác.Không áp đặt giá trị sống theo quan điểm của mình lên người khác.
Nguồn: http://www.isee.org.vn