Ngày 7/5/2024, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hậu phối hợp với Trường Trung học cơ sở Hải Cường tổ chức chuỗi hoạt động truyền thông và trải nghiệm ngoại khoá cho học sinh nhằm hưởng ứng chiến dịch “Bảo vệ con em chúng ta khỏi hóa chất trừ sâu độc hại” năm 2024. Chiến dịch do Mạng lưới hành động về hoá chất trừ sâu khu vực Châu Á Thái Bình Dương (PANAP khởi xướng, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc sử dụng các phương pháp sinh học thay thế cho hoá chất trừ sâu độc hại.
Tại Việt Nam, việc sử dụng hóa chất trừ sâu trong nông nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Trẻ em tiếp xúc với hóa chất trừ sâu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm rối loạn phát triển, các vấn đề về hô hấp, suy giảm thần kinh và thậm chí gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Trẻ em nông thôn ở Việt Nam bị phơi nhiễm hóa chất trừ sâu qua tiếp xúc trực tiếp và trôi dạt (theo báo cáo rà soát dữ liệu về ngộ độc hóa chất trừ sâu không chủ ý (UAPP) do PANAP và các đối tác thực hiện năm 2023). Báo cáo thực trạng sử dụng hóa chất trừ sâu ở bốn quốc gia Châu Á gồm Bangladesh, Ấn Độ, Lào và Việt Nam do PANAP và các đối tác thực hiện và các dữ liệu ghi nhận cho thấy trẻ em tiếp xúc với hóa chất trừ sâu, bao gồm cả những hóa chất có độ độc hại cao. Ngoài ra, trường học được kỳ vọng là môi trường an toàn cho trẻ học tập và phát triển, tuy nhiên, nhiều học sinh ở nông thôn và thành thị bị tiếp xúc thụ động với hóa chất trừ sâu. Do đó, việc thiết lập các vùng đệm không có hóa chất trừ sâu là rất cấp bách quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ em.
Hưởng ứng Ngày Ong thế giới (20/5), Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5), và Ngày Môi trường thế giới (5/6), Trung tâm CGFED, Hội LHPN huyện Hải Hậu, xã Hải Cường và trường THCS Hải Cường đã quyết định tổ chức hoạt động này để nâng cao nhận thức của học sinh về việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ ong và các loài thụ phấn.
Trong buổi truyền thông, các em học sinh được tìm hiểu về các biện pháp chăm sóc cây trồng, quản lý sâu bệnh hại nhằm giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trừ sâu do đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và nhóm nữ nông dân tiên phong xã Hải Cường chia sẻ. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ của nhóm nông dân tiên phong, các em đã học cách làm chế phẩm trừ sâu từ nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, gừng, và rượu. Sau khi xay nhuyễn các nguyên liệu và ngâm trong rượu hoặc cồn khoảng 15 ngày, dung dịch này có thể được pha loãng với nước để phun lên cây trồng, giúp tiêu diệt 85-90% sâu hại và có thể sử dụng trong vòng 4-5 tháng.
Học sinh cũng được tham quan mô hình trồng ổi lê với diện tích gần 3.000 m2 tại địa phương. Các em không chỉ được phun thử thuốc trừ sâu tự chế từ nguyên liệu tự nhiên lên cây ổi, mà còn được hái và ăn ổi trực tiếp tại vườn. Hoạt động này giúp học sinh nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc sử dụng các chế phẩm sinh học, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và các loài thụ phấn.
Kết thúc chuỗi hoạt động là buổi đọc thử sách tranh “Ong Zee phiêu lưu ký” của học sinh, nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện tài liệu giáo dục về bảo vệ sức khỏe môi trường khỏi hóa chất trừ sâu độc hại. Đây là một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học.
Các hoạt động này không chỉ góp phần hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học và Ngày Môi trường thế giới, mà còn phù hợp với chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường năm 2024.
Bảo vệ các loài thụ phấn, Bảo vệ con em chúng ta, loại bỏ hóa chất trừ sâu độc hại! Hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững, đa dạng sinh học!
Hashtag:#pollinatorsnotpesticides #ProtectOurChildren #WorldBeeDay #BiodiversityDay #BeeEngagedwithYouth
Để biết thêm thông tin về Chiến dịch, mời xem tại đây: Tờ phát tay POC 2024_resized