Chì là một trong 10 kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Mỗi năm thế giới ghi nhận thêm mới khoảng 600.000 trẻ em bị ảnh hưởng trí tuệ và 143.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc chì, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Báo cáo mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường về ‘Khảo sát nồng độ chì trong sơn và thực trạng phơi nhiễm chì ở thợ sơn và trẻ em mầm non’ thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021 cho thấy, những loại sơn có hàm lượng chì vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép vẫn đang được tiêu thụ với số lượng lớn tại Việt Nam.
Cụ thể, 39% mẫu sơn công nghiệp có hàm lượng chì cho kết quả lớn hơn 600 ppm (vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam về giới hạn hàm lượng chì trong sơn). Đặc biệt, có 3 mẫu sơn công nghiệp màu vàng chứa hàm lượng chì lớn hơn 10.000 ppm.
100% mẫu sơn trang trí đều chứa hàm lượng chì dưới 600 ppm. Hàm lượng chì cao nhất là 29,3 ppm, thấp nhất là <0,2 ppm. Cả 3 mẫu sơn chống ăn mòn đều chứa hàm lượng chì dưới 600 ppm, dao động từ <0,2 ppm đến 0,85 ppm.
Những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chú trọng đến yếu tố an toàn về hàm lượng chì trong các sản phẩm sơn được lưu hành trên thị trường
Ngoài ra, nồng độ chì máu trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 4,52 μg/dL, thấp nhất là 1,29 và cao nhất là 20,72 I/dL. Nồng độ chì máu trung bình của trẻ em là 5,27 μg/dL, ở thợ sơn là 3,9 μg/dL.
Theo ThS. Thân Nguyễn Phương Hải, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết nồng độ chì máu trung bình (BLL) của thợ sơn nằm trong tiêu chuẩn Việt Nam (10 μg/dL) và giá trị tham chiếu của CDC Mỹ (5 μg/dL). Tuy nhiên, gần một nửa trẻ em mẫu giáo có nồng độ chì máu cao hơn so với giá trị tham chiếu của CDC Mỹ (5 μg/dL). Một trẻ có nồng độ chì máu 20,72 μg/dL do đã sử dụng thuốc cam – một loại thuốc bột truyền thống sử dụng cho trẻ em và là nguồn phơi nhiễm chì phổ biến ở trẻ em ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả này cho thấy rằng công nghệ sản xuất sơn không chì có tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những loại sơn có hàm lượng chì vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, cho thấy sự cần thiết phải đảm bảo việc tuân thủ giới hạn quy định 600 ppm của tất cả các nhà sản xuất sơn trong thời gian sắp tới.
Thống kê tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy nhiễm độc chì hiện nay ở Việt Nam còn xảy ra nhiều. Có bệnh nhân đến viện được phát hiện, có bệnh nhân còn đang ở ngoài cộng đồng. Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc chì như khai khoáng quặng chứa chì, tái chế chì từ ắc quy, sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì đặc biệt là chứa hồng đơn… Ngoài ra, sơn chứa chì cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chì là một trong 10 kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
Mỗi năm thế giới ghi nhận thêm mới khoảng 600.000 trẻ em bị ảnh hưởng trí tuệ và 143.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc chì, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Nhiễm độc chì có thể gây các tổn thương đa dạng và phức tạp lên hầu hết các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể như: cơ quan tạo máu, tim mạch, xương khớp, thận tiết niệu, trí tuệ. Trẻ em có nguy cơ nhiễm độc chì từ nhiều nguồn khác nhau như xăng pha chì, sơn pha chì, đồ chơi, hoạt động khai khoáng, tái chế ác quy, ô nhiễm môi trường…
Các chuyên gia về chống độc cho hay, chì là một chất độc đã được công nhận là có tác động đến sức khoẻ trên diện rộng, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hoá và huyết học. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn và do chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.
Trẻ em bị nhiễm độc chì sẽ chậm lớn, chiều cao, vòng ngực, vòng đầu đều thấp hơn so với trẻ em không bị nhiễm độc chì. Ngoài ra, trẻ em cũng bị ảnh hưởng nếu như người mẹ bị nhiễm chì. Người mẹ có tiếp xúc nghề nghiệp với nồng độ chì máu ≥ 10 µg/dL có nguy cơ sẩy thai, sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Hiện Việt Nam, việc kiểm soát hàm lượng chì trong hóa chất nói chung và trong sơn nói riêng đang từng bước chặt chẽ hơn. Ngày 21/12/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 51/2020/TT-BCT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn. Theo đó, hàm lượng chì trong sơn được giới hạn ở mức ≤ 600 ppm trong thời hạn 5 năm đầu kể từ ngày thông tư có hiệu lực và ≤ 90 ppm sau 5 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực. Đối tượng áp dụng Quy chuẩn này là các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các loại sơn theo quy định, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Giám đốc điều hành CGFED Nguyễn Kim Thúy , nghiên cứu của Trung tâm năm 2021 đã đưa ra những chỉ báo để theo dõi hàm lượng chì trong các loại sơn đang lưu hành trên thị trường hiện nay. So với 4 năm trước, các mẫu sơn chứa chì đã giảm đáng kể, và nếu có thì hàm lượng chì cũng giảm cực kỳ thấp. Điều này chỉ ra, ngành công nghiệp sơn của Việt Nam đã nỗ lực cải thiện chất lượng sơn và sẵn sàng tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý sơn chì, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn thực hiện thông tư, trong đó, làm rõ các mã sơn thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật về hàm lượng chì; có quy định ghi nhãn đầy đủ thông tin về hàm lượng chì cũng như các kim loại nặng khác trong sơn và những cảnh báo về nguy cơ nguồn phơi nhiễm chì cho trẻ em.
Đồng thời, cần có chính sách quản lý chặt chẽ từ đầu đến cuối xuyên suốt chuỗi cung ứng. Trước tiên là các đơn vị cung ứng nguyên liệu đầu vào, kế đến là các DN sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm gia công và cuối cùng là người sử dụng, tác động của việc sử dụng đến môi trường. Tăng cường kiểm soát chất lượng sơn đảm bảo hàm lượng chì trong sơn nằm trong tiêu chuẩn cho phép…
Theo Hà Anh (Moitruong.net)
Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc chì năm nay diễn ra từ ngày 24- 30/10. Việc sản xuất và bán sơn chì vẫn được cho phép ở hơn 55% quốc gia, là nguồn tiếp xúc với chì liên tục và trong tương lai đối với trẻ em và người lao động có tiếp xúc với sơn. Trọng tâm của tuần lễ hành động quốc tế năm nay hướng đến đẩy nhanh tiến độ hướng tới giai đoạn toàn cầu loại bỏ sơn chì thông qua các biện pháp và quy định pháp lý.
Năm 2020, Việt Nam đã ban hành thông tư số 51 phê duyệt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn. Theo đó, giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600ppm trong thời hạn 5 năm đầu kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và ≤ 90ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Tại Việt Nam, từ năm 2016, chiến dịch hưởng ứng Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì cũng được Trung tâm CGFED tổ chức hàng năm với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ mạng lưới IPEN. |