Hội thảo tham vấn:
“Dự thảo báo cáo quốc gia rà soát thực hiện 20 năm Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam”
Ngày 21-22 tháng 4, tại Hòa Bình,đã diễn ra Hội thảo tham vấn Dự thảo báo cáo quốc gia rà soát thực hiện 20 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam. Hội thảo do Vụ bình đẳng Giới (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội) và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) đồng tổ chức. Trong 2 ngày, 30 đại biểu đại diện cho hơn 20 tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam, đã và đang hoạt động về Bình đẳng giới ở Việt Nam đã cùng nhau thảo luận, phân tích đóng góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo quốc gia về quá trình thực hiện.
Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh là kết quả của những cuộc đấu tranh của phụ nữ trên toàn thế giới qua hàng thập kỷ để đạt được bình đẳng, phát triển và hòa bình.Văn kiện quan trọng này đã được thông qua tại Hội nghị Toàn cầu lần thứ tư về Phụ nữ tại Bắc Kinh 1995 với sự tham gia của các đại biểu đến từ hơn 180 quốc gia, nhằm phản ánh các vấn đề và mối quan tâm của phụ nữ thế giới vào cuối thế kỷ 20.
Mặc dù Cương lĩnh không phải là một văn kiện bắt buộc nhưng nó được coi là văn bản được thống nhất và là tuyên bố toàn diện nhất về những vấn đề liên quan đến phụ nữ mà thế giới từng chứng kiến. Nó đề cập đến hàng loạt các vấn đề từ lạm dụng quyền con người tới nghèo đói. Nó công nhận việc thiếu quan điểm giới từ quá trình ra quyết định của chính phủ tới hệ thống giáo dục. Nó kêu gọi người dân và các tổ chức, từ công đoàn tới các tổ chức quốc tế, yêu cầu các Chính phủ có tham gia Công ước cam kết thực hiện hàng loạt các hành động, từ nghiên cứu giới trong truyền thông tới chấm dứt bạo lực với phụ nữ.
Vào năm 2015, kỷ niệm 20 năm thực hiện, Ủy ban Liên hợp quốc về Vị thế Phụ nữ sẽ tiến hành rà soát và thẩm tra việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các đầu ra của phiên họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (2000). Nhân dịp này, Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc tiến hành rà soát toàn diện ở cấp quốc gia những tiến bộ đã đạt được và những thách thức phải đối mặt trong việc thực hiện.
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, chính phủ Việt Nam tiến hành rà soát và đánh giá thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh ở Việt Nam, tiếp nối tiến trình của báo cáo 15 năm, từ năm 2009 đến nay. Công việc rà soát cấp quốc gia đặt trọng tâm vào việc thực hiện và các đánh giá dựa trên các bằng chứng chắc chắn về tác động của những hành động đã thực hiện và kết quả đã đạt được.
Bên cạnh việc thảo luận về tiến độ và các thành tựu cũng như những chậm trễ và thách thức, việc rà soát cũng thảo luận các kế hoạch và sáng kiến tương lai nhằm đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Công việc rà soát và đánh giá hoạt động tại Việt Nam sẽ do Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội điều phối với sự hỗ trợ của UN Women.
Hội thảo tham vấn được thực hiện với mục đích tập hợp thông tin để hoàn thiện dự thảo rà soát báo cáo quốc gia, đồng thời thu thập những bằng chứng quan trọng từ các tổ chức xã hội dân sự dựa trên 12 lĩnh vực quan tâm chính của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Phần đầu của Hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu bức tranh bối cảnh và bức tranh tổng quát về quá trình rà soát hoạt động trên thế giới và Việt Nam, trong đó có những tài liệu quan trọng của quốc tế như: Các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs), Công ước chống mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW),…; Phần hai, những người tham gia hội thảo được giới thiệu về Bộ chỉ số thống kê giới được thông qua năm 2011 do Tổng cục thống kê xây dựng nhằm giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới; Phần ba, các đại biểu thảo luận về những vấn đề quan tâm, đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện thông tin, cung cấp thêm thông tin và bằng chứng cho 12 lĩnh vực quan tâm chính (Nghèo đói, Giáo dục và đào tạo, Sức khỏe, Bạo lực, Xung đột vũ trang, Kinh tế, Ra quyết định, Cơ chế thể chế, Quyền con người, Truyền thông, Môi trường, Trẻ em gái); Phần 4, những người tham gia cùng nhau thảo luận xác định những lĩnh vực mới nổi, những ưu tiên quan trọng và đề xuất khuyến nghị cho thời gian từ 3 đến 5 năm sắp tới, trong bối cảnh xây dựng những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc giai đoạn hậu 2015.
Bên cạnh việc thảo luận và đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo báo cáo, Hội thảo cũng là “diễn đàn cho các tổ chức xã hội dân sự và cơ quan nhà nước hoạt động về giới gặp gỡ, trao đổi thông tin về những hoạt động đã và đang diễn ra cũng như các kế hoạch hoạt động sắp tới” (bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam) và “cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nhằm cùng nhau xây dựng, thực hiện các hoạt động nhằm đạt tới bình đẳng giới và phát triển phụ nữ trong thời gian tới ở Việt Nam” (bà Vũ Ngọc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới)
CGFED