Trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy phát triển nghề nghiệp và kinh doanh cho thanh niên và phụ nữ” tại tỉnh Lào Cai, AEA và CGFED đã phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức buổi “Tọa đàm chia sẻ giữa các bên về mô hình tư vấn hỗ trợ việc làm cho thanh niên và phụ nữ” vào ngày 21/12/2023 vừa qua.
Buổi tọa đàm là không gian để các bên liên quan (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Sở Lao động Thương binh xã hội (LĐTBXH), Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp – HTX và thanh niên) chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà thanh niên, phụ nữ đang gặp phải trong việc tìm kiếm việc làm cũng như ý kiến về các mô hình tư vấn hỗ trợ việc làm hiện tại đang triển khai.
Tình hình thực tế tại các địa phương cho thấy những khó khăn như:
- Phụ nữ sau khi lấy chồng thì không tham gia hoạt động lao động bên ngoài, chỉ làm tại gia đình.
- Một số hợp tác xã về thêu may thổ cẩm đã phát triển cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nhưng chưa có việc làm ổn định.
- Với các công ty, doanh nghiệp việc có xu hướng lựa chọn tuyển nam hơn. Với các công việc ngành nghề nặng nhọc như sửa chữa, cơ khí dù nhiều chị em thích công việc này và có đăng ký học nghề. Nhưng khi xin việc thì các xưởng sửa chữa, cơ khí nhận nam hơn vì cho là sức khỏe nữ không được như nam giới.
- Kinh tế gia đình không có đủ kiều kiện để chu cấp đi học nên tỷ lệ thất nghiệp nhiều do thiếu trình độ học cao và không có tiền học nghề, thường chỉ chọn học các ngành miễn phí.
- Công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh THPT: có tình trạng trùng lặp các hoạt động tư vấn hướng nghiệp ở các đơn vị khác nhau.
- Thanh niên thường bị thiếu thông tin về doanh nghiệp, mức lương, điều kiện làm việc về môi trường.
- Và còn nhiều khó khăn khác nữa …
Từ việc nhìn nhận những khó khăn đó, các bên đều cho thấy hi vọng có thể kết hợp nguồn lực, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa và đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề trên tại tỉnh Lào Cai.
Phòng LĐTBXH: Dự án hỗ trợ mô hình khởi nghiệp ở Sapa cần mở rộng ra cho nhóm thanh niên ở trên các xã phường. Đào tạo thêm về các dịch vụ, sản phẩm du lịch, chăm sóc khách hàng tốt sẽ giúp phát triển cộng đồng ở Sapa khởi sắc.
Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai: Cần có chương trình hỗ trợ về kỹ năng cho cán bộ cấp xã về tư vấn giới thiệu việc làm. Cần có sự phối hợp giữa các bên trong công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh THPT của ngành lao động, kết hợp tỉnh đoàn và trường, cùng bàn những khoảng thời gian hợp lý để cùng tổ chức chương trình, tránh chồng chéo.
Doanh nghiệp – Hợp tác xã (HTX) tại địa phương: Nếu có hỗ trợ cho đơn vị doanh nghiệp cần đào tạo tập trung sâu cho công nhân, thành viên những nội dung HTX cần. Các hoạt động phải can thiệp đúng đối tượng. Hỗ trợ kết nối và quảng bá sản phẩm để có đầu ra.
Tổ chức AEA nhấn mạnh mọi ý tưởng khởi nghiệp phải từ chính nhu cầu và đề xuất từ người địa phương thì mới hiệu quả và bền vững. Cũng như cần có sự kết nối giữa hướng nghiệp, đào tạo nghề, khởi nghiệp. Chọn lựa người tham gia các lớp thực sự có mong muốn và mục tiêu phát triển.
Trung tâm CGFED đưa ra các giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hơn gồm: (1) Nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương cấp xã về lồng ghép giới để giới thiệu việc làm, hạn chế việc đưa các tư vấn có khả năng loại trừ phụ nữ tham gia một số công việc; (2) Hướng nghiệp dạy nghề có lồng ghép giới, giúp học sinh định hình vấn đề giới trong nghề và không có sự PBĐX trong lựa chọn nghề; (3) Truyền thông nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và an toàn lao động cho nữ.
Nguồn: Nhóm dự án