Tháng 10/2018, CGFED và VVOB Việt Nam đã hợp tác thực hiện nghiên cứu về các thực hành mang tính khuôn mẫu giới và việc áp dụng học thông qua chơi tại 10 trường mần non ở 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Giáo dục mầm non quan tâm đến giới” – GENTLE do Liên minh châu Âu tài trợ và VVOB – CGFED đồng thực hiện. Báo cáo thu được những kết quả đáng chú ý như sau.
Hầu hết phụ huynh và giáo viên, lãnh đạo trường, cán bộ phòng giáo dục đều mơ hồ về khái niệm giới/ giới tính. Phần lớn tin rằng sự khác biệt giữa nam với nữ về tính cách, sở thích, hành động như con trai thì mạnh mẽ, con gái thì diu dàng là bẩm sinh, và vì truyền thống văn hoá là như vậy. Do vậy, tất cả phụ huynh và giáo viên tin rằng, việc định hướng và giúp trẻ cư xử “ra nam, ra nữ” là điều hợp lý và tốt cho trẻ, khiến quá trình chăm sóc và dạy trẻ trai và trẻ gái đang tồn tại nhiều khuôn mẫu giới.
Quần áo và đồ chơi của trẻ vẫn phân định trẻ nam thường mặc quần, dùng đồ siêu nhân, trẻ nữ mặc váy, dùng đồ công chúa. Nam thì chơi súng, bắn bi còn nữ chơi búp bê. Nghề nghiệp nam vẫn được kỳ vọng sẽ làm các nghề như bác sĩ, kỹ sư, bộ đội còn nữ làm giáo viên, y tá.
Trong lớp, sự đối xử khác biệt với các bé được thể hiện từ cách xưng hô của giáo viên tới cách bố trí chỗ chơi và phân công lao động cho trẻ. Trẻ nữ thường được cô gọi nhẹ nhàng hơn vì trẻ nữ được cho là nhõng nhẽo hơn. Con trai cũng thường được phân công làm việc nặng hơn như khiêng bàn, kê giường còn con gái giúp chô quét lớp, lau dọn bàn. Trong các giờ hoạt động góc, gái thường chơi ở góc phân vai như nấu nướng, chơi với búp bê, trẻ trai thường chơi góc xây dựng. Một số giáo viên khuyến khích và định hướng lại lựa chọn của trẻ theo khuôn mẫu giới “nếu bé gái thích làm nghề xây dựng, em sẽ nói với con ‘con gái không có sức khỏe, nên không phù hợp, nghề này nên là con trai.
Các tài liệu, học liệu, trang trí đang được sử dụng trong trường học vẫn còn những yếu tố khuôn mẫu giới về vai trò và trách nhiệm trong gia đình cũng như định hướng nghề nghiệp. Thậm chí nhiều tài liệu hướng dẫn giáo viên dạy trẻ ứng xử phù hợp với giới tính, thay vì giúp trẻ phân biệt thông qua những đặc điểm cơ thể và bộ phận sinh dục, giáo viên lại đang hướng dẫn trẻ phân biệt nam nữ thông qua các cách thể hiện giới như tính cách, trang phục, đồ chơi…
Vấn đề bạo lực tuy không rõ ràng nhưng cũng có những số liệu đáng lưu tâm. Trong lớp, trẻ trai thường là đối tượng nghịch ngợm, hay đánh nhau và tranh giành nhiều hơn. Quan sát từ nhóm nghiên cứu cho thấy vẫn có hiện tượng xử lý thiên lệch khi các bé phạm lỗi., đồ chơi của bé trai có xu hướng bạo lực hơn như chơi súng, dao, ná hay bé trai thường bị phạt nặng hơn (phạt, quỳ, roi) khi mắc lỗi.
Một nghiên cứu[1] đã chỉ ra “nếu nam giới bị bạo lực trong gia đình khi còn nhỏ có nguy cơ cao hơn đối với khả năng trở thành một người gây bạo lực đối với phụ nữ khi anh ta lớn lên”. Do vậy, việc trẻ nam được khuyến khích đồ chơi bạo lực hay thường chịu các mức phạt bạo lực như quỳ, đánh roi có khả năng tác động tới hành vi bạo lực của trẻ khi lớn lên.
Có thể thấy, các khuôn mẫu giới trên đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức và tính cách của trẻ cũng như giới hạn sự tự do lựa chọn và phát triển đa dạng của trẻ. Nó cũng có nguy cơ tác động tới hành vi bạo lực của trẻ, đặc biệt là trẻ trai trong hiện tại và tương lai.
Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường kiến thức, nhận thức giới về ảnh hưởng của khuôn mẫu giới cũng như bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cần xây dựng bộ công cụ hướng dẫn giáo viên/cán bộ quản lý/phụ huynh việc lồng ghép nhạy cảm giới vào hoạt động giảng dạy, chăm sóc trẻ cũng như đa dạng hóa tư liệu học tập, tranh trang trí lớp học có nhạy cảm giới
Kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại Hội thảo được tổ chức bởi CGFED và VVOB ngày 21-22/2/2019 tại Tam Kỳ, Quảng Ngãi.
————————————————————————-
[1] Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ 2010 – Tổng cục thông kê Việt Nam, trang 80, 91
Nguồn: CGFED