Năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đã phối hợp với Khoa Sức khoẻ Môi trường và Cộng đồng, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường (NIOEH) thực hiện khảo sát hàm lượng chì trong môi trường sinh sống (sơn tường và đồ chơi) và đánh giá lại hàm lượng chì máu của trẻ mầm non đã tham gia nghiên cứu năm 2021.
Khảo sát đánh giá lại hàm lượng chì trong môi trường sinh sống (sơn tường và đồ chơi) của 20 trong số 23 trẻ có hàm lượng chì máu nằm trong khoảng 5,26 – 20,72 µg/dL, cao hơn giới hạn tham chiếu của CDC Hoa Kỳ (3,5 µg/dL) từ 1.5 đến 6.5 lần (năm 2021) để xác định mối tương quan giữa hàm lượng chì máu của trẻ và hàm lượng chì trong môi trường xung quanh và đồ chơi nhựa mà trẻ tiếp xúc.
Phương pháp:
- Mẫu máu: 20 mẫu máu của 20 trẻ em có chì máu > 5 µg/dL trong 48 trẻ em đã tham gia nghiên cứu năm 2021.
- Phỏng vấn: Phỏng vấn trực tiếp 20 người, là bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của 20 trẻ được lấy mẫu máu để xác định các yếu tố nguy cơ phơi nhiễm chì và thói quen sinh hoạt của trẻ tại gia đình.
- Xác định hàn lượng chì trong môi trường và đồ chơi của trẻ: Sử dụng thiết bị Huỳnh quang tia X (XRF) để tiến hành kiểm tra nhanh hàm lượng chì trong sơn tường, đồ chơi và các khu vực sân chơi hàng ngày của 20 trẻ tại trường học và gia đình.
Kết quả:
- Hàm lượng chì máu trung bình của trẻ em tham gia nghiên cứu là 4,75 µg/dL, thấp nhất là 3,59 µg/dL và cao nhất là 9,77 µg/dL. 100% trẻ em có hàm lượng chì máu cao hơn ngưỡng khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ (3,5 µg/dL), trong đó 65% trẻ em có hàm lượng chì máu từ 3,5 µg/dL đến 5,0 µg/dL, và 35% trẻ em có hàm lượng chì máu từ 5,0 µg/dL đến < 10,0 µg/dL.
- Hàm lượng chì máu trung bình của trẻ em năm 2022 đã giảm xuống so với năm 2021: tương ứng là 4,75 µg/dL (1.055) và 5,96 µg/dL (1.350), p<0,05.
- Trẻ em có tiếp xúc với đồ vật ở gia đình có chứa chì có hàm lượng chì máu cao hơn so với những trẻ khôgn tiếp xúc: tương ứng là 4,85 µg/dL (1.455) và 4,68 µg/dL (0.664).
- Hàm lượng chì máu của trẻ em trong nghiên cứu này cao hơn so với mức khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, chứng tỏ trẻ em có phơi nhiễm với các nguồn khác như nước ăn uống, thực phẩm hoặc các yếu tố môi trường khác mà nghiên cứu này chưa đề cập đến. Do đó, cần có thêm nghiên cứu với quy mô rộng hơn, có số mẫu đủ lớn và đại diện hơn để có thể xác định rõ các nguồn phơi nhiễm chì.
Để đọc báo cáo đầy đủ, mời xem tại đây.