Biến những bài học giới tính tẻ ngắt thành những trò chơi, hoặc tình huống thực tế, chiến dịch có tên “Cùng chia sẻ” tại Phú Yên vừa qua đã mang đến nhiều kiến thức giới tính bổ ích cho hàng nghìn học sinh.
Chiến dịch do tổ chức CGFED đã phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Phú Yên thực hiện trong thời gian 2 tuần cuối tháng 9 – là chiến dịch về giáo dục giới tính, tình dục cho học sinh phổ thông lần đầu tiên ở Việt Nam, với sự tham gia của 72 trường (cơ sở và trung học) trên địa bàn tỉnh.
Chương trình giáo dục giới tính, tình dục diễn ra trong thời lượng khoảng 3 tiếng, với nội dung được xây dựng tùy cấp học. Dành cho học sinh cấp 2 là bài giảng về những thay đổi về thể chất – thay đổi về tâm lý tuổi dậy thì – hướng dẫn cách vệ sinh – chế độ dinh dưỡng và phòng chống xâm hại tình dục. Học sinh cấp 3 thì được biết sâu hơn về cơ chế mang thai và các biện pháp tránh thai; bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục an toàn.
Để mang lại hiệu ứng tốt nhất, các thầy cô đã xem buổi học như một cuộc trò chuyện cởi mở, sử dụng các hình thức tranh minh họa, tiểu phẩm, video, trò chơi vui hoặc đặt ra tình huống để các em trả lời.
Nói đến giáo dục giới tính cho tuổi vị thành niên, một thầy giáo ở tỉnh Phú Yên từng rất băn khoăn, “sao dạy về giới tính khó thế. Kiến thức thì mình có, nhưng quan trọng là không biết truyền đạt thế nào để các em thoải mái và tiếp thu hiệu quả”. Tuy nhiên, sau khi tham gia vào khóa huấn luyện liên tiếp trong 5 ngày của tổ chức CGFED, các thầy cô giáo đã có cơ hội trải nghiệm, được “hóa mình” thành học sinh và biết được rằng “không phải do học sinh ngại, mà do người hướng dẫn chưa biết cách giúp các em tự tin, hòa mình vào buổi học”, thầy Hiếu, hiệu phó trường THCS Phạm Đình Quy, cho biết.
Thầy Hiếu cũng nói thêm, lý do khiến thầy quyết định tham gia vào chiến dịch “Cùng chia sẻ” là trường Phạm Đình Quy nằm ở vùng nông thôn, cơ hội được tiếp xúc với kiến thức giới tính còn rất lơ mơ, hạn hẹp. Hậu quả là nhiều em quan hệ tình dục mà không có bất cứ biện pháp an toàn nào, đến khi mang thai lại sợ hãi, phá thai, hoặc bất đắc dĩ cưới chui vì chưa tới tuổi trưởng thành.
Thầy Nguyễn Chí Lan, giáo viên trường Dân tộc nội trú ở Phú Yên, cũng cho biết giáo dục giới tính bằng hình thức mới này giúp học sinh được chủ động tiếp nhận và trải nghiệm, rút ra bài học cho bản thân, khác hẳn với cách dạy thuần lý thuyết trước đây.
Tham gia tiết học như vậy, các học sinh ban đầu không khỏi bỡ ngỡ, xa lạ, chán nản. Tuy vậy, cuối buổi ngoại khóa, kết quả mà các em thu nhận được là “Biết được những cái cần tránh, tình yêu sớm quá cũng không nên. Nếu đã lầm đường lỡ bước, tìm cách để gỡ nó ra. Biết được những căn bệnh nguy hiểm, những biện pháp phòng tránh thật hay. Tưởng chừng tiết học ghê gớm, không ngờ hay đến vậy”.
“Thật thiêng liêng khi thấy quá trình hình thành một đứa con trong bụng mẹ! Phải đủ trưởng thành, chín chắn và hiểu biết mới có thể làm cha, làm mẹ. Vì thế, phải quan hệ tình dục an toàn để không phải có thai ngoài ý muốn!”, một học sinh chia sẻ cảm nhận. Có em còn hào hứng hỏi: “Cô ơi, tháng sau có học tiếp nữa không ạ?”.
“Hãy đưa giáo dục giới tính thành một môn bắt buộc vào trường học”; “Giáo dục giới tính không được học trong trường thì học ở đâu?”, đó là những thông điệp mà thầy giáo Lan và chị Mai, chi cục dân số tỉnh Phú Yên muốn nhắn nhủ tới Bộ, ngành giáo dục sau khi trực tiếp tham gia vào chiến dịch này.
Nguyễn Phương
Báo Vnexpress