Hưởng ứng Chiến dịch 16 ngày chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, CGFED đã cùng đối tác địa phương tổ chức chương trình #Kịch_tương_tác “Nhận diện và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” cho nhóm nữ công nhân.
Tại Việt Nam, theo báo cáo cuối năm 2017 của Better Work, quấy rối tình dục đối với người lao động, đặc biệt trong ngành dệt may vẫn đang trong tình trạng bị che giấu, không được báo cáo mặc dù có rất nhiều thông tin không chính thức về các vụ việc quấy rối tình dục trên thực tế. Trong nghiên cứu trường hợp nữ công nhân may do CGFED thực hiện có ghi nhận tình trạng bạo lực tinh thần tại nơi làm việc và lao động nữ bị quấy rối tình dục. Nữ công nhân thường bị trêu chọc và họ coi đó là chuyện hết sức bình thường.
Việc không được nhận diện cùng với tâm lý e ngại, mặc cảm và xấu hổ đã làm cho hành vi quấy rối tình dục càng trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó tâm lý e ngại càng khiến cho nạn nhân khó có thể tố cáo các hành vi quấy rối tình dục.
Quấy rối tình dục có thể xảy ra với nhiều mức độ. Nó có thể bắt đầu với việc làm phiền thường xuyên bằng những câu nói mang tính chất tình dục, những cử chỉ sàm sỡ và tiến đến hành động gây áp lực, đe doạ và nghiêm trọng hơn là tấn công tình dục. Việc trả thù có thể xảy ra khi nạn nhân tố cáo. Do vậy, người sử dụng lao động và các tổ chức của người lao động phải có các cơ chế xử lý kẻ quấy rối hiệu quả và hỗ trợ người lao động, giúp họ được an toàn khi lên tiếng tố cáo hành vi quấy rối tình dục.
Chương trình Kịch_tương_tác “Nhận diện và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” đã được truyền hình VTV đưa tin.
********
16 ngày Hành động chấm dứt bạo lực giới
Chiến dịch này được diễn ra hàng năm trên thế giới cùng với các sự kiện nhân Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11) và ngày Ngày quốc tế về nhân quyền (10-12). Chiến dịch này cũng đồng hành cùng với chiến dịch UNiTE chấm dứt bạo lực với phụ nữ vào năm 2030 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc huy động các Chính phủ, các tổ chức xã hội và công chúng trên toàn thế giới chung tay chấm dứt vấn nạn này.