Bước đầu tiên của chiến lược can thiệp thay đổi thái độ và hành vi của sinh viên là xác định được thực trạng các vấn đề SKSS/TD mà nhóm sinh viên này đang gặp phải. Việc xác định thực trạng SKSS/TD của sinh viên ĐHTN được thực hiện thông qua nghiên cứu khảo sát với hơn 3.800 sinh viên tại 5 trường/khoa tham gia dự án tại ĐHTN bằng khảo sát online và phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm. Kết quả khảo sát cho thấy:
Nhận thức của sinh viên về các khái niệm, thuật ngữ về tình dục, đa dạng tính dục còn hạn chế. Biện pháp tránh thai được sinh viên có nghe nói đến nhiều nhất là vòng tránh thai, nhưng thuốc diệt tinh trùng là lại biện pháp ít được các bạn biết tới nhất. Sinh viên biết sử dụng bao cao su nam nhiều nhất nhưng sự tự tin trong việc sử dụng nó đúng cách lại ít nhất. HIV/AIDS là bệnh lây truyền qua đường tình dục được sinh viên có khả năng kể ra nhiều nhất, tuy nhiên mới gần một nửa sinh viên hiểu được chính xác khái niệm HIV và các nguy cơ lây truyền qua các giao tiếp thông thường. Không có sự khác biệt về giới tính, thành phần dân tộc, năm học của sinh viên trong nhận thức về SKSS, SKTD.
Hơn 60% sinh viên ủng hộ quan hệ tình dục trước hôn nhân, sinh viên nam đồng ý cao hơn sinh viên nữ, sinh viên khoá sau cao hơn sinh viên khoá trước. Tuy có những suy nghĩ cởi mở hơn về trinh tiết của người phụ nữ, vẫn có hơn 40% sinh viên coi trọng vấn đề này, đặc biệt ở sinh viên nam. Điều này phản ánh khuôn mẫu, định kiến về giới là đàn ông luôn là người chủ động trong tình yêu, tình dục, đòi hỏi sự trinh tiết đối với phụ nữ ở Việt Nam. Khoảng 2/3 số sinh viên ĐHTN vẫn giữ thái độ tiêu cực trước hành vi tình dục đồng giới vì cho rằng đó là điều bất bình thường, biến thái”. Gần 60% sinh viên vẫn có thái độ đổ lỗi cho phụ nữ về việc họ bị xâm hại tình dục tiếp tục phản ánh những định kiến giới trong tư duy của sinh viên ĐHTN, nhất là ở sinh viên nam.
Tỷ lệ sinh viên ĐHTN đã có quan hệ tình dục tại thời điểm khảo sát là 28,3%, trong đó tỷ lệ sinh viên nam đã có QHTD cao hơn nhóm sinh viên nữ, ở nhóm sinh viên dân tộc thiểu số cao hơn sinh viên dân tộc Kinh. Độ tuổi càng tăng thì tỷ lệ sinh viên có QHTD càng tăng. Đa số sinh viên có QHTD xuất phát từ chính nhu cầu, sự tự nguyện của bản thân chiếm tỷ lệ cao nhất và phần lớn sinh viên cũng cho biết mình là người chủ động trong QHTD nhưng vẫn có khoảng gần 30% là do bị lừa gạt, cưỡng bức. Đối tượng mà sinh viên có QHTD nhiều nhất là với người yêu, nhưng cũng có những đối tác là bạn bè, người mới quen, người lạ, thậm chí là với người lao động tình dục/mại dâm và có cả họ hàng.
Phần lớn sinh viên đã biết các sử dụng biện pháp tránh thai khác nhau trong QHTD, phổ biến nhất là bao cao su và thuốc tránh thai khẩn cấp. Với nhóm sinh viên không sử dụng biện pháp bảo vệ đã có tình trạng mang thai ngoài ý muốn dẫn đến việc phải phá thai. Hơn 10% sinh viên nhà trường đã bị xâm hại, quấy rối tình dục, trong đó tỷ lệ sinh viên nữ cao hơn sinh viên nam.
(Trích kết quả Báo cáo nghiên cứu cơ bản “Nhận thức, thái độ và thực hành của sinh viên đại học Thái Nguyên về sức khoẻ sinh sản và tình dục” được CGFED phối hợp với Đại học Thái Nguyên thực hiện năm 2019)