“ Tự do thoát khỏi khuôn mẫu ” là một buổi tập huấn rất thú vị với sự hướng dẫn của Thạc sĩ Phạm Kim Ngọc (CGFED) và anh Lương Thế Huy (ISEE). Buổi tập huấn diễn ra ấm cúng với 15 thành viên tham dự, trong đó có 10 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau.
Ở phần đầu của buổi tập huấn, các bạn sinh viên được chia sẻ về khái niệm Giới, khuôn mẫu Giới và thế nào là Bình đẳng Giới? Hàng ngày, mọi người vẫn nhắc đến Giới. Vậy Giới là gì? Có lẽ ai cũng hiểu chung chung rằng đó là sự khác biệt về mặt sinh học của nam và nữ. Nhưng thực sự để hiểu rõ bản chất của Giới, thì không phải là điều dễ dàng mà bất kì ai cũng hiểu được một cách sâu sắc. Và từ đâu mà chúng ta hình thành nên những khuôn mẫu Giới của chính bản thân mình?
Người hướng dẫn đặt ra một câu hỏi là làm thế nào để phân biệt giới tính của trẻ sơ sinh? Và các bạn sinh viên đã có một cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi về vấn đề này. Các bạn đều thấy rằng thật không dễ để biệt một đứa trẻ sơ sinh là nam hay nữ nếu không dựa vào cơ quan sinh dục của chúng. Chỉ có khi lớn lên thì nam và nữ mới hình thành những đặc điểm khác nhau như về hình dáng, tóc tai, quần áo, sở thích… Các bạn sinh viên cũng chia sẻ những câu chuyện về tuổi thơ của mình, về việc bị đối xử nam nữ phân biệt.
Bạn T.A (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp) chia sẻ : Hồi bé lúc (4-5 tuổi), khi em chơi với các bạn trong xóm thì có một cái xe bán rất nhiều kiểu váy đẹp đi đến. Tất cả các bạn nữ đều được mua váy, mà em thì không được mua dù em rất thích. Em đòi mẹ mua cho em những mẹ bào con trai thì không được mặc như thế này.
Bạn H.T (ĐH Y tế Công Cộng): Hôì còn nhỏ, trong xóm em và các bạn thường tụ tập đi chơi với nhau, chơi những trò nghịch ngợm như đổ dế. Nhưng đến lớp 2 thì bố mẹ không cho em đi nữa, trong khi các bạn hàng xóm là con trai thì vẫn được đi. Lúc đó em ước gì mình có thể trở thành con trai để đi chơi cùng các bạn.
Bạn HTr. (ĐH Ngoại thương): Từ bé đến lớn em học rất chăm, nên kết quả học tập tốt. Nhưng bố mẹ em thì thường nói rằng con gái không cần phải học nhiều làm gì, khó lấy chồng. Con gái mà học nhiều thì về lại khó bảo.
Qua phần thảo luận dưới sự hướng dẫn của chị Phạm Kim Ngọc, các bạn sinh viên nhận thấy rằng: khi sinh ra giữa nam giới và nữ giới, tự nhiên chỉ tạo ra sự khác biệt chủ yếu là về cơ quan sinh dục và khả năng mang bầu. Tự nhiên hoàn toàn không tạo ra việc trò chơi này là của con trai, trò này là của con gái, con trai chỉ được mặc quần áo như này, con gái phải mặc quần áo như kia, con trai nên làm việc này, không nên làm việc kia… Chính sự phân biệt của xã hội đã tạo thành Giới. Như vậy Giới là sự khác biệt quy định cho người nam và nữ do xã hội tạo ra.
Có phải lúc nào chúng ta cũng bằng lòng với những khuôn mẫu Giới mà Xã hội đã định ra cho chúng ta hay không ? Chắc hẳn mỗi chúng ta đôi khi cũng cảm thấy những chiếc khuôn ấy quá chật chội. Nhưng để phá vỡ nó liệu có dễ dàng?
Đa số các bạn đều cho rằng, một khi xã hội đã tạo ra thì rất khó để bỏ nó đi được. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều khuôn mẫu đã được phá vỡ. Ví dụ như trong xã hội phong kiến, người con gái gắn với bốn chữ “Tam tòng tứ đức”, hay “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Ở nhà mình thì phải nghe lời cha, về nhà chồng phải nghe theo chồng, chồng chết thì nghe lời con. Ở nhiều nơi còn có hủ tục khi chồng chết thì người phụ nữ phải chôn theo chồng…Nhưng ngày nay, nhiều quan niệm, nhiều thói quen, hủ tục đã được thay đổi, người phụ nữ hiện đại đã có được một vị trí và tiếng nói mạnh mẽ hơn bên cạnh nam giới.
Như vậy, điều cơ bản là tự nhiên không tạo ra sự khác biệt mà chúng ta đang phải đối mặt, tự nhiên chỉ tạo ra sự khác biệt của mặt sinh học mà thôi. Những cái khác biệt do xã hội tạo ra hoàn toàn có thể thay đổi nếu như chúng ta thực sự muốn thay đổi.
Phần tiếp theo là phần hướng dẫn của anh Lương Thế Huy (ISee) về sự đa dạng và cách chúng ta đang đối xử với sự đa dạng như thế nào?
Giới tính sinh học hoàn toàn là của tạo hóa, còn Giới thì do nền văn mình của loài người tạo ra. Hoạt động trí óc của con người tạo ra cả một cái triết học về Giới. Đầu tiên, mọi người cùng nhau làm rõ Bản dạng giới là gì? Bằng những hình ảnh minh hoạ sinh động và thú vị, các bạn sinh viên đã thấy, về mặt tính dục, đặc điểm về sinh lý thể hiện người đó là nam hay nữ, giới tính sinh học là cái nằm ở “giữa hai chân” chúng ta, được hình thành từ khi chúng ta sinh ra. Còn cái nằm “giữa hai lỗ tai chúng ta” (suy nghĩ), chính là Bản dạng Giới, là việc bạn muốn mình là ai. Thực tế, có rất nhiều người đang đối mặt với hoàn cảnh chúng ta muốn cái chúng ta không có, có cái chúng ta không muốn. Về xu hướng tính dục, cũng chia ra thành nhiều xu hướng:
Người dị tính: là người cảm thấy hấp dẫn không chỉ về mặt tình dục mà cả về mặt tình cảm, mối quan hệ với người khác giới.
Người đồng tính: là người có xu hướng tính dục hướng về người cùng giới.
Người chuyển giới: người có giới tính mong muốn không trùng với giới tính sinh học
Người liên giới tính: người có giới tính sinh học ko xác định rõ là nam hay nữ.
Anh kể câu chuyện về người bạn của anh, là một người gay. Có một lần, anh bạn gay gặp một bạn less mà bạn less này lại rất nam tính. Và anh bạn cảm thấy mình bị hấp dẫn bởi bạn less đó. Điều này nghe thì có vẻ kì lạ nhưng thực ra đây là một việc hết sức tự nhiên, bởi sự hấp dẫn không phụ thuộc vào sự khác biệt về mặt giới tính sinh học mà là giữa cá nhân này với cá nhân kia.
Một ví dụ khác ở Châu Âu, có những câu lạc bộ gọi là DRAG (Dress as a girl: ăn mặc như một cô gái). Tuy nhiên, điều đặc biệt là có đến 80% đàn ông trong câu lạc bộ DRAG là người dị tính. Những thành viên trong DRAG giải thích rằng, đơn giản là họ muốn có cảm giác được tự do. Cuộc sống căng thẳng và quá nhiều áp lực, lúc nào cũng họ cũng phải luôn luôn chỉn chu, chỉnh tề, phải sống theo những nguyên tác. Điều đó khiến họ cảm thấy rất mệt mỏi. Và nếu như bạn làm điều gì hơi bất thường thì sẽ bị cả xã hội kỳ thị, lên án. Vì vậy khi đến đây và ăn mặc giống như phụ nữ khiến họ cảm thấy được giải tỏa và thoải mái hơn.
Để tiếp tục bàn về sự đa dạng trong cuộc sống, người hướng dẫn đưa ra hình ảnh một người đàn ông đang mặc đồ phụ nữ đứng ở giữa đường, mọi người xung quanh nhìn chằm chằm vào anh ta với con mắt đầy tò mò, ngạc nhiên xen lẫn khó chịu. Ngay cả nhiều bạn trẻ tại buổi tập huấn, khi được hỏi về cảm nhận khi nhìn bức ảnh này thì các bạn cũng tỏ ra khá bối rối. Ngay sau đó anh lại đưa ra hình ảnh một thanh niên đang bị dẫn đi giữa đường, trước ngực đeo tấm bảng “mê nhảy đầm”, là một bức hình được chụp từ rất lâu trong quá khứ và giải thích, ngày xưa xã hội ta coi việc nhảy đầm là một thói đua đòi, hư hỏng, đáng lên án, anh thanh niên này đã phạm vào điều xã hội cấm kị nên phải chịu hình phạt là bị bêu rếu giữa đường phố như vậy, nhưng ngày nay thì việc nhảy đầm lại là một thú vui giải trí hoàn toàn bình thường.
Khi đi ngoài đường chắc hẳn bạn cũng thấy rất nhiều “thành tựu của thời trang”, có những bạn theo phong cách Emo, săm trổ đầy mình, kẻ mắt đen xì, có bạn thì ăn mặc hầm hố, đeo trang sức đầy người, tóc nhuộm nhiều màu… Như vậy, ngày nay mọi người đã thoải mái hơn khi thể hiện cá tính của mình, thoải mái hơn khi “sống là chính mình”. Có thể lúc này bạn nhìn người đàn ông ăn mặc như phụ nữ mà đi ngoài đường thì không thể chấp nhận được. Nhưng tương lai có rất nhiều thứ thay đổi, biết đâu sau này chúng ta nhìn lại những hình ảnh này lại thấy nó hoàn toàn bình thường. Chúng ta cần phải hiểu một điều rằng, càng ngày, xã hội đã dần dần chấp nhận sự đa dạng.
Buổi tập huấn khép lại đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt trong lòng các bạn trẻ. Đúng với cái tên tiêu đề của tập huấn “Tự do thoát khỏi khuôn mẫu”, sau buổi tập huấn các bạn trẻ đã trở nên cởi mở hơn đối với sự đa dạng của cuộc sống. Mặc dù trước đây nhiều bạn có suy nghĩ phân biệt, kì thị đối với các bạn đồng tính, chuyển giới, phân biệt và định kiến đối với những khuôn mẫu về nam giới, nữ giới nhưng buổi tập huấn, các bạn chia sẻ những kiến thức mới mẻ bổ ích đã giúp các bạn thay đổi nhận thức, cảm thấy cần phải tôn trọng sự đa dạng của cuộc sống như một điều hiển nhiên.
Phuong Loan – CGFED’s Tornado Group