Sáng 28/11/2014 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Nông thôn (RCRD) tổ chức Hội thảo Quốc gia “Xóa bỏ lệ thuộc vào Hóa chất bảo về thực vật – Những khoảng trống cần lấp đầy”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa ba tổ chức và mạng lưới Hành động về Hóa chất trừ sâu Châu Á – Thái Bình Dương (PAN AP)
Mục đích của hội thảo nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu về hiện trạng sử dụng hai hóa chất trừ sâu độc hại Paraquat và Chlorpyrifos – đây là hai hoạt chất bảo vệ thực vật đang được vận động ngừng hoặc cấm sử dụng, tại ba miền sinh thái đại diện của Việt Nam. Hội thảo cũng là dịp để các bên liên quan bao gồm các nhà hoạch định chính sách, thực thi chính sách, nhà giáo dục, nghiên cứu, truyền thông, thương mại, người tiêu dùng cũng như nông dân sản xuất thảo luận những biện pháp nhằm tiến tới xóa bỏ lệ thuộc vào hóa chất bảo vệ thực vật, đặc biệt là hai hóa chất Paraquat và Chlorpyrifos.
Hội thảo thu hút hơn 70 đại biểu đến từ các Bộ, cơ quan Trung ương như Cục bảo vệ thực vật, các Viện nghiên cứu/ chính sách và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, các cơ quan thuộc cấp tỉnh như Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở ban ngành liên quan các tỉnh Nam Định, Phú Thọ, An Giang; Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Đặc biệt là sự tham gia của các nông dân tại ba tỉnh Phú Thọ, Nam Định, An Giang- những người trực tiếp sử dụng các hóa chất và chịu ảnh hưởng từ những hóa chất đó.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chí có khoảng 43% nông dân trong các địa bàn nghiên cứu được tập huấn về sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Số năm sử dụng hóa chất trong nhóm nông dân tham gia nghiên cứu là khá cao: tại An Giang, trung bình là 16 năm, Nam Định là 22 năm và số năm sử dụng tại Phú Thọ là 23 năm.
Đánh giá về tác hại của hóa chất bảo vệ thực vật, số liệu nghiên cứu cho thấy có tới 86% nông đồng ý rằng hóa chất bảo vệ thực vật là chất độc và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân cũng như làm ô nhiễm môi trường đặc biệt là môi trường nước.
Việc sử dụng hai loại hóa chất Paraquat và Chlorpyrifos là khá phổ biến tại các địa bàn nghiên cứu nhưng có tới 90% nông dân lại không biết tên của hai loại hóa chất này và kiến thức về hai loại hóa chất này cũng ở mức trung bình thấp.
Việc sử dụng hai loại hóa chất Paraquat và Chlorpyrifos trên cây trồng có sự khác nhau. Có khoảng 85% nông dân tại các địa bàn nghiên cứu sử dụng Paraquat trong khu vực trồng cây. Trong khi đó có tới 91% nông dân sử dụng Chlorpyrifos cho muc đích định kỳ, phòng ngừa sâu hại. Về liều lượng sử dụng, số liệu cho thấy có tới 31% nông dân sử dụng hóa chất cao hơn mức khuyến cáo. Các nông dân trồng rau sử dụng nồng độ hóa chất bảo vệ thực vật cao hơn khuyến cáo nhiều hơn so với nông dân khác.
Liên quan tới sức khỏe, báo cáo cho thấy có tới 8.5% nông dân khẳng định đã từng bị ngộ độc trong khi sử dụng hóa chất. Các triệu chứng mà số đông người thường gặp khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm: mệt mỏi, nóng và ngứa, nhức đầu.
Từ những kết quả trên, các nghiên cứu đưa ra các đề xuất thiết thực và phù hợp. Đối với nông dân: Cần được cung cấp nhiều thông tin hơn về tính độc hại của các hóa chất bản vệ thực vật nói chung và Paraquat và Chlorpyrifos nói riêng. Đối với cán bộ kỹ thuật, quản lý và y tế: i) Nên lồng ghép các nội dung truyền thông về hóa chất độc hại khi tập huấn kỹ thuật cho nông dân; ii) Tiến hành thêm các nghiên cứu để chứng minh tính độc hại đối với sức khỏe của các hoạt chất Paraquat và Chlorpyrifos. Đối với các nhà hoạch định chính sách địa phương: i) Cập nhật những công ước và quy tắc ứng xửu của Việt Nam đã ký với quốc tế để áp dụng trong việc quản lý các hóa chất bảo vệ thực vật; ii) Xây dựng nhiều mô hình sinh thái hữu cơ, và hỗ trợ các sản phẩm sinh thái hữu cơ, tìm được đầu ra cho các sản phẩm.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận về cho rằng việc xóa bỏ lệ thuộc vào hóa chất Bảo vệ thực vật độc hại là mong muốn chung. Và những khoảng trống về về chính sách, giáo dục, truyền thông, quảng cáo, thương mại, quyền người tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của nông dân, của các tổ chức xã hội dân sự cần được lấp đầy trong thời gian tới. Phát huy vai trò, sự tham gia của các bên liên quan trong việc tham vấn, giám sát và phản hồi chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật là điều quan trọng để lấp đầy các khoảng trống trên.
Tại hội thảo, cuốn sách “Đầu độc tương lai: Trẻ em và hóa chất bảo vệ thực vật” là công trình của tác giả là TS. Meriel Watts với sự hỗ trợ của Mạng lưới hành động về Hóa chất trừ sâu Châu Á – Thái Bình Dương (PAN AP) được giới thiệu. Cuốn sách nói rằng: “…hiện tại có đủ chứng cứ để buộc tội việc tiếp xúc với hóa chất trừ sâu ở mức độ thấp là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ em…”.
Các đại biểu cũng cùng nhau phát động “Tuần lễ Không Hóa chất bảo vệ thực vật” từ ngày 3-10/12/2014. Chiến dịch này trên thế giới đã được bắt đầu từ năm 1984 để tưởng nhớ hàng nghìn người đã chết và hàng chục nghìn người vẫn đang và sẽ còn chịu hậu quả của thảm họa Bhopal. Thảm họa Bhopal được coi là tồi tệ nhất của ngành công nghiệp hóa chất trong lịch sử. Kể từ ngày 3/12/1998, Mạng lưới hành động về Thuốc trừ sâu Châu Á – Thái Bình Dương (PAN AP), Penang, Malaysia đã tổ chức các chiến dịch và hoạt động cùng với các đối tác và các nhà vận động tại cộng đồng để tưởng nhớ ngày này và qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật. Hoạt động này như một phần cam kết, hành động để tiến tới “Xóa bỏ lệ thuộc vào Hóa chất bảo về thực vật”.