Các vấn đề liên quan đến thuỷ ngân ở các cấp độ: cộng đồng, quốc gia, quốc tế được thảo luận và đề xuất giải pháp tại Hội nghị quốc tế về các quan ngại từ việc sử dụng thuỷ ngân trong ngành công nghiệp khai thác vàng thủ công quy mô nhỏ (ASGM) vì một Châu Á An toàn được tổ chức ngày 25 tháng 1 năm 2024 tại Seoul, Hàn Quốc.
Ở các nước Đông Nam Á đang lan rộng tình trạng ô nhiễm thủy ngân, chủ yếu do khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ (ASGM), dẫn đến hàm lượng thủy ngân cao được phát hiện trong cơ thể thợ mỏ/thợ chế tác vàng và người dân địa phương. Trong khi nhiều tổ chức xã hội dân sự ở khu vực Châu Á đang triển khai các dự án để giải quyết vấn đề này, vẫn còn thiếu các hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục tác động có hại đến con người và môi trường.
Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường Wonjin (WIOEH) hợp tác với Quỹ Tài chính Công nghiệp Hàn Quốc (KFIF), các trung tâm điều phối khu vực Nam Á và Đông Nam và Đông Á thuộc mạng lưới Quốc tế về Loại bỏ các chất gây ô nhiễm (IPEN) đã tổ chức Hội nghị quốc tế trao đổi và đề xuất giải pháp cho các quan ngại từ việc sử dụng thuỷ ngân trong ngành công nghiệp khai thác vàng thủ công quy mô nhỏ (ASGM) vì một Châu Á An toàn vào ngày 25 tháng 1 năm 2024. Hội nghị thảo luận về tình trạng phơi nhiễm thủy ngân ở các khu vực ASGM ở Đông Nam Á dựa trên kết quả nghiên cứu của dự án Vì một Châu Á không có thủy ngân và đề xuất các giải pháp cho vấn đề thủy ngân ở châu Á.
Các tổ chức thành viên mạng lưới tham gia Hội nghị từ Philippines, Indonesia, và Việt Nam đã chia sẻ nỗ lực của mình trong tiến trình giải quyết vấn đề ô nhiễm thủy ngân ở từng quốc gia.
Cũng tại hội nghị, Ông Lee Bell, cố vấn chính sách của IPEN về Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP) và thủy ngân, đã chia sẻ các góp ý đối với đề xuất của IPEN về việc sửa đổi công ước nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán thủy ngân quốc tế và cấm sử dụng thủy ngân trong ASGM; ASGM: Vấn đề quốc gia – Thách thức toàn cầu do bà Yuyun Ismawati, Cố vấn cấp cao của Quỹ Nexus3, chia sẻ; Các yếu tố xã hội, kinh tế và chính trị góp phần thúc đẩy việc tiếp tục sử dụng thủy ngân trong ASGM ở Philippine được ông Jam Lorenzo của BAN Toxics chia sẻ; và Chia sẻ nỗ lực thúc đẩy chiến dịch của Ecowaste Coalition đối với các sản phẩm có thành phần thủy ngân của ông Manny Calonzo, Ecowaste Coalition; và Chuyển đổi để kiểm soát thủy ngân trong lĩnh vực nghề nghiệp và môi trường của Giáo sư Domyung Paek, SNJ Emeritus.
Theo CGFED.