Từ thành công của 15 trường điểm trong năm học 2019-2020, dự án GENTLE “Giáo dục mầm non có quan tâm đến giới” tiếp tục thúc đẩy việc nhân rộng các thay đổi trong thực hành và môi trường lớp học có đáp ứng giới tại 138 các trường còn lại trong hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Một số thay đổi tiêu biểu đáng chú ý có thể kể đến như:
- Thay đổi trang trí môi trường trong và ngoài lớp
[…Trước tiên, giáo viên thay đổi trang trí lớp, như bổ sung hình bé trai chơi búp bê, bé gái chơi đá bóng, bé trai nấu ăn, bé gái xây dựng…
Cô cũng bổ sung đồ dùng đồ chơi, sắp xếp tạo các cách gọi mời trẻ: từ những nguyên vât liệu sẵn có, nguyên vật liệu mở (len, sỏi, lá cây,…) tăng cường màu sắc, đồ chơi trung tính cho cả trẻ trai và trẻ gái. …]
(Chia sẻ của giáo viên Quảng Nam)
- Khuyến khích trẻ trai và trẻ gái cùng chơi
[..Cô giáo giúp trẻ trai và trẻ gái chơi cùng nhau hòa đồng, không phân biệt. Như vậy, khi giáo viên nhìn thấy trẻ có khuôn mẫu, định kiến giới – khi bạn muốn chơi cùng thì trẻ không cho, giáo viên sẽ cần giải thích để trẻ hiểu được vấn đề, đảm bảo có sự công bằng khi chơi…]
(Chia sẻ của giáo viên Quảng Nam)
- Tương tác với trẻ để thách thức khuôn mẫu giới
Trong chủ đề nhánh 22/12 về các chú bộ đội, cô hỏi “Có bạn nào muốn làm chú bộ đội không?”, một trẻ gái giơ tay, trẻ trai bên cạnh đập bạn gái bỏ tay xuống: “Chỉ có con trai mới làm bộ đội thôi”. Khi nghe thấy trẻ nói vậy, cô nhận ra sai sót ở bản thân mình, khi trước giờ không có hình ảnh trang trí cô bộ đội trong lớp, cũng như không bao giờ nhắc đến hay trao đổi với trẻ về các cô bộ đội. Nhận ra sự thiếu sót đó, cô bổ sung thêm hình ảnh cô bộ đội cũng như đặt ra câu hỏi thách thức với trẻ về các khuôn mẫu giới “Trẻ trai và trẻ gái có thể làm những công việc gì?” và giải thích với trẻ về khuôn mẫu giới ví dụ như “Trẻ gái có thể làm cô bộ đội, trẻ trai cũng có thể làm chú bộ đội”. Trẻ dần chấp nhận hiểu ra rằng trẻ trai và trẻ gái đều có thể ước mơ làm bất kỳ nghề nghiệp nào.
(Chia sẻ của giáo viên Quảng Ngãi)