Theo kết quả khảo sát, những nội dung, vấn đề về SKSS/SKTD mà sinh viên ĐHTN mong muốn được giáo dục gồm có: các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS (54,9%); tình yêu, tình dục (khác giới) (52,7%); các biện pháp phòng tránh thai, phá thai an toàn (50,5%). Ngoài ra là các nội dung về quyền được chăm sóc SKSS/SKTD; phòng chống xâm hại, quấy rối tình dục; đa dạng tính dục, xu hướng tính dục; kỹ năng tiền hôn nhân.
Một trong những lý do mà sinh viên cảm thấy không hào hứng trong những hoạt động truyền thông, giáo dục đã và đang được tổ chức tại trường là các em cảm thấy như “đây không phải hoạt động của mình” khi các em không được tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình lập kế hoạch và xây dựng nội dung cũng như cách thức thực hiện chưa tạo cơ hội để các em được chia sẻ. Các em cũng nhận thấy rằng với những buổi sinh hoạt quy mô lớn thì các em không học hỏi được nhiều các kĩ năng cần thiết cho mình.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng phương pháp mà sinh viên mong muốn được sử dụng để giáo dục về SKSS/TD, tình dục bao gồm: Truyền thông nhóm lớn, tổ chức các cuộc thi; thực hiện sân khấu hoá; thảo luận nhóm nhỏ; phân tích tình huống; trò chơi; tham vấn/ tư vấn cá nhân trực tiếp và qua điện thoại.
Nhu cầu và mong đợi của sinh viên về nội dung và hình thức truyền thông giáo dục về SKSS/TD là cơ sở để các trường triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục phù hợp nhằm đáp ứng mong muốn và nhu cầu của sinh viên ĐHTN, giúp các em được trang bị kiến thức, kỹ năng, tự tin chăm sóc SKSS/TD cho bản thân.
(Trích kết quả Báo cáo nghiên cứu cơ bản “Nhận thức, thái độ và thực hành của sinh viên đại học Thái Nguyên về sức khoẻ sinh sản và tình dục” được CGFED phối hợp với Đại học Thái Nguyên thực hiện năm 2019)