(Suckhoemoitruong.com.vn) – Trong những ngày này khắp nơi tràn ngập không khí yêu thương của ngày Valentine. Nhưng ít ai biết rằng ngày 14.2 có thêm một ý nghĩa khác. Đó là ngày Một tỷ người đứng lên chống lại bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (V- day). Vào ngày này, mọi người ở bất cứ nơi đâu theo lời kêu gọi hãy đứng lên và nhảy múa để yêu cầu, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Để hưởng ứng hoạt động này, ngày 14.2. 2014,các bạn trẻ Việt Nam đã rất hào hứng, nhiệt tình tham gia. Các vũ điệu được thể hiện ở trường học, công viện, đường phố, chợ…bất chấp cái giá buốt của thời tiết rét đậm, rét hại.
Một tỷ người đứng lên chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ngày V- day (14.2).
Trong ngày 14.2.2013, một tỷ người ở 207 quốc gia khác nhau đã đứng lên và nhảy múa để yêu cầu chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ngày 14.2.2014, mọi nỗ lực đã và đang được thực hiện nhằm kêu gọi mọi người ở bất cứ nơi đâu hãy đứng lên, giải thoát, nhảy và đòi hỏi thực thi công lý.
Hoạt động nhảy “ONE BILLION RISING FOR JUSTIC” – 1 TỶ NGƯỜI ĐỨNG LÊN VÌ CÔNG LÝ” do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia Đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) tổ chức đã thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia, đặc biệt là các bạn nữ. Bạn Trần Phương Thủy, sinh viên năm 3, Khoa hệ thống thông tin kinh tế, Đại học Thương Mại hào hứng chia sẻ: Mình rất thích nhảy, hơn nữa đây lại là hoạt động rất có ý nghĩa, giúp cho chị em phụ nữ, trong đó có mình mạnh mẽ và tự tin hơn. Có những điều phụ nữ rất khó nói ra nhưng thông qua ngôn ngữ cơ thể, qua điệu nhảy, họ có thể bày tỏ được tất cả. Những điệu nhảy cũng giúp phụ nữ mạnh mẽ hơn, giúp mọi người gần nhau hơn.
Theo bạn Trần Phương Thủy các điệu nhảy sẽ giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn.
ONE BILLION RISING FOR JUSTICE là lời kêu gọi toàn cầu tới những phụ nữ, là những người đã sống sót sau khi bị bạo hành, và những người yêu thương họ để có được sự an toàn bên ngoài cộng đồng. Những nơi mà họ được hưởng công lý như : tòa án, trạm cảnh sát, văn phòng chính phủ, các tòa nhà, trường học, nơi làm việc, tòa án quân sự, đại sứ quán, nơi thờ tự, nhà cửa, hoặc chỉ đơn giản là những địa điểm công cộng… Đó là những nơi lẽ ra phụ nữ xứng đáng được cảm thấy an toàn nhưng lại quá thường xuyên không như vậy. ONE BILLION RISING FOR JUSTICE là lời kêu gọi những người phụ nữ hãy PHÁ VỠ IM LẶNG và nói lên câu chuyện của chính họ thông qua nghệ thuật, khiêu vũ, nghi lễ, bài hát, lời nói, lời khai, hoặc bất kỳ cách nào họ cảm thấy thoải mái.
Phụ nữ hãy tự bảo vệ, nhảy múa để giải thoát chính cơ thể mình trước khi có ai đó giúp đỡ.
Anh Vũ Xuân Thái, 32 tuổi, một người nhiệt tình tham gia hoạt động cho biết phụ nữ Việt Nam vốn là những người cam chịu, nhẫn nhịn, chịu đựng nên cần có nhiều hoạt động kêu gọi, thúc đẩy họ mạnh mẽ hơn. “Khoảng 80% phụ nữ Việt Nam ít nhất 1 lần trong đời bị bạo hành bằng hình thức này hay hình thức khác. Hãy là một trong những người đầu tiên trong 1 TỶ người chung tay kêu gọi chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại VIỆT NAM. Hãy thể hiện tình yêu của mình đối với người bà, người mẹ, người chị, bạn gái, những người bạn yêu thương trong ngày 14/2/2014 này,” anh Thái hào hứng.
Theo anh Thái khoản 58% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực nhưng cam chịu.
Theo thông điệp bài hát được sử dụng cho các bước nhảy thì tốt nhất phụ nữ hãy là người đầu tiên đứng lên đấu tranh, tự bảo vệ bản thân trước khi có người khác bảo vệ mình. Thông qua lời bài hát Break the chain, “Tôi có thể nhìn thấy một thế giới, nơi tất cả chúng ta cùng sống. An toàn và tự do khỏi mọi áp bức. Không còn cưỡng bức, loạn luân hoặc lạm dụng. Phụ nữ không còn là vật sở hữu…chương trình muốn nhắn gửi đến phụ nữ Việt Nam: chúng ta có những điều khó nói thành lời, hãy để cho cơ thể nói lên điều đó, hãy giải thoát bản thân mình bằng chính ngôn ngữ cơ thể mình trước tiên. Nhảy múa là niềm vui sướng, tình dục, thánh thiện, đập phá và dễ lây lan. Nó phá vỡ mọi nguyên tắc. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời gian nào, cùng với bất kỳ ai và với tất cả mọi người. Và nó tự do. Nhảy múa đòi hỏi chúng ta chiếm lấy không gian và chúng ta làm điều đó cùng nhau trong cộng đồng. Nhảy múa liên kết chúng ta lại với nhau và thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn nữa.
Tôi nhảy múa vì tôi yêu bản thân mình, tôi yêu mọi người và tôi yêu thế giới.
Hoạt động nhảy “1 tỷ người chống lại bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra tại các điểm vui chơi công cộng, trạm xe buýt, trường học, nơi tập trung đông người tại Hà Nội vào 14.2 đã làm ấm lòng những người phụ nữ hơn trong ngày Lễ tình nhân này. Dưới đây là một số hình ảnh của chương trình được phóng viên báo điện tử Sức khỏe và môi trường ghi lại:
Nhảy ở trước cổng chợ.
Nhảy ở sân chung cư
Chị Hương tham gia chương trình vì muốn mình tự tin hơn.
Khẩu hiệu của chương trình.