79,2% trẻ em mầm non có nồng độ chì máu cao hơn mức quy định mới của CDC Mỹ (3,5 μg/dL)
Theo ước tính năm 2000 trên thế giới có khoảng 120 triệu người bị phơi nhiễm chì, trong đó chủ yếu là trẻ em, mỗi năm ghi nhận thêm mới khoảng 600.000 trẻ em bị ảnh hưởng trí tuệ và 143.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc chì, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Trong “Khảo sát nồng độ chì trong sơn và thực trạng phơi nhiễm chì ở thợ sơn và trẻ em mầm non từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021 tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp với Khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (NIOEH) thì: Nồng độ chì máu trung bình của trẻ em là 5,27 ± 2,83 μg/dL, trong đó nồng độ chì máu trung bình của trẻ em nam là 5,72 μg/dL, cao hơn so với nồng độ chì máu trung bình của trẻ em nữ (4,79 μg/dL).
Có đến 38/48 trẻ (79,2%) có nồng độ chì máu > 3,5 μg/dL – là mức độ cảnh báo nhiễm độc chì mới được CDC Mỹ quy định.
Nồng độ chì máu trung bình của trẻ em là 5,27 μg/dL. Tỷ lệ trẻ nam có mức chì máu ≥ 5 μg/dL là 52,0%, cao hơn so với trẻ nữ (43,5%).
Trong khi đó, nồng độ chì máu trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 4,52 μg/dL, thấp nhất là 1,29 và cao nhất là 20,72 μg/dL, ở thợ sơn là 3,90 μg/dL.
Tức là khả năng phơi nhiễm chì của trẻ em cao hơn người lớn.
Nhiễm độc chì gây nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đặc tính của chì tác động rất mạnh đối với cơ thể trẻ em. Đáng ngại nhất là chì có thể làm giảm trí tuệ, chỉ số thông minh, sự phát triển tinh thần của trẻ.”
Nhiễm độc chì có thể gây các tổn thương đa dạng và phức tạp lên hầu hết các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể như: cơ quan tạo máu, tim mạch, xương khớp, thận tiết niệu, trí tuệ. Trẻ em có nguy cơ nhiễm độc chì từ nhiều nguồn khác nhau như xăng pha chì, sơn pha chì, đồ chơi, hoạt động khai khoáng, tái chế ác quy, ô nhiễm môi trường…
Khảo sát trên 40 mẫu sơn của 14 nhãn hàng, các màu sắc sơn khác nhau cũng cho thấy công nghệ sản xuất sơn không chì có tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có những loại sơn có hàm lượng chì vượt rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép (tức là trên 600 ppm).
Các mẫu sơn màu màu vàng, cam và xanh lá đều là các mẫu sơn sáng màu và đều có hàm lượng chì cao nhất.
3 trong số 4 mẫu sơn màu vàng (75%) có hàm lượng chì trên 10,000 ppm, trong khi ½ mẫu sơn màu cam (50%) và cả 3 mẫu sơn màu xanh lá cây (100%) có hàm lượng chì vượt quá 600 ppm.
Nhìn chung, hầu hết các nhãn dán trên bao bì mẫu sơn trong nghiên cứu không có các thông tin ý nghĩa về hàm lượng chì hoặc các nguy cơ của sơn có chì chủ yếu đều lưu ý đến tính dễ bắt lửa của sơn nhưng không có cảnh báo phòng ngừa về ảnh hưởng của bụi chì đối với trẻ em và phụ nữ có thai.
Bà Nguyễn Kim Thuý – Giám đốc TT Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) cho biết: “Kết quả nghiên cứu này như một minh chứng cho thấy chúng ta cần theo dõi hàm lượng chì trong các loại sơn đang lưu hành trên thị trường hiện nay để đảm bảo các loại sơn này sẽ tuân thủ đúng theo quy chuẩn quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn.”
Ngày 21/12/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Thông tư số 51/2020/TT-BCT phê duyệt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn (ký hiệu QCVN 08:2020/BCT) ở mức:
• ≤ 600 ppm trong thời hạn 05 năm đầu kể từ ngày Thông tư có hiệu lực
• ≤ 90 ppm sau 05 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực
Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILLPW) 2021 lần thứ 9 diễn ra từ ngày 24 đến 30 tháng 10 năm 2021.
Tuần lễ hành động là sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về Loại bỏ sơn chì (Liên minh Sơn chì), do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn dắt, với thông điệp: Cùng chung tay hành động vì một thế giới không có sơn chì.
Các Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác y tế, ngành công nghiệp và các tổ chức khác được khuyến khích tổ chức các chiến dịch trong tuần lễ hành động quốc tế nhằm:
– Nâng cao nhận thức về ảnh hưởng sức khỏe của việc phơi nhiễm chì;
– Nêu bật những nỗ lực của các quốc gia và đối tác trong việc ngăn ngừa phơi nhiễm chì, đặc biệt là ở trẻ em;
– Thúc giục hành động hơn nữa để loại bỏ sơn có chì thông qua các biện pháp và quy định pháp lý ở cấp quốc gia.
Theo Nguyệt Nguyệt (Gia Đình Mới)