
Sáng 11/4, tại Lào Cai, Hội thảo tổng kết việc thí điểm Tài liệu Lồng ghép Giới (LGG) trong công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đã diễn ra thành công. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy phát triển nghề nghiệp và kinh doanh cho thanh niên và phụ nữ”, ghi nhận những kết quả tích cực và đề xuất hướng đi nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số.
LÀO CAI – Sáng 11/4, tiếp nối sự kiện tại Hòa Bình, Hội thảo Tổng kết và chia sẻ việc giảng dạy thí điểm Tài liệu Lồng ghép Giới (LGG) trong công tác Hướng nghiệp và Đào tạo nghề đã được tổ chức tại tỉnh Lào Cai. Sự kiện do tổ chức Aide et Action Việt Nam (AEA – sắp trở thành Action Education) và Trung tâm Nghiên cứu về Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai thực hiện, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy phát triển nghề nghiệp và kinh doanh cho thanh niên và phụ nữ”.
Tham dự hội thảo có ông Nghiêm Xuân Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng Giới (Bộ Nội Vụ); đại diện Hội LHPN tỉnh Hòa Bình; lãnh đạo, giáo viên các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Lào Cai, huyện Bắc Hà, thị xã Sa Pa, Trung tâm dạy nghề Phú Minh (Lào Cai); cùng đại diện AEA, CGFED, chuyên gia dự án TS. Nguyễn Lê Hoài Anh và các giáo viên trực tiếp tham gia tập huấn, dạy thí điểm năm 2024.
Hiệu quả tích cực từ thí điểm
Dự án được triển khai thí điểm từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2024 tại 40 trường thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai, tiếp cận hơn 23.000 học sinh. Riêng tại Lào Cai, tài liệu được áp dụng tại 3 Trung tâm GDNN-GDTX với 1.754 học sinh và 8 giáo viên tham gia giảng dạy.
Bộ tài liệu nhận được phản hồi tích cực từ cơ quan quản lý, ban lãnh đạo trường, giáo viên và các bên liên quan về nội dung, cấu trúc logic, tính thân thiện và các phương pháp giảng dạy tích cực gợi ý (thảo luận nhóm, viết phản hồi, sáng tạo sản phẩm…). Phát biểu tại hội thảo, ông Nghiêm Xuân Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng Giới (Bộ Nội Vụ), khẳng định giá trị của dự án: “Các kết quả triển khai dự án sẽ giúp cơ quan nhà nước đo lường sự hiểu biết cũng như việc thực hiện chính sách tại địa phương để từ đó xây dựng các chương trình quốc gia về vấn đề này.” Ông Nam cũng đánh giá cao nỗ lực nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân tộc thiểu số bởi đây là nhóm cộng đồng rất quan trọng.
Ông Nghiêm Xuân Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên và Bình đẳng Giới (Bộ Nội Vụ)
Một thành công nổi bật khác là việc tài liệu nhấn mạnh tầm quan trọng của LGG trong hướng nghiệp, giúp học sinh nhận diện, vượt qua định kiến giới khi lựa chọn nghề nghiệp, đồng thời đi sâu vào lĩnh vực mới, tạo nền tảng cho giáo viên. Chia sẻ về trải nghiệm thực tế, thầy Giàng Quang Tiên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bắc Hà, cho biết: “Tài liệu xây dựng các chủ đề rất gần gũi, giúp học sinh kết nối sở thích cá nhân với định hướng nghề nghiệp và yếu tố giới tính. Các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, viết phản hồi, sáng tạo sản phẩm cũng tạo hứng thú và hiệu quả tiếp thu tốt hơn.”
Thầy Giàng Quang Tiên, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bắc Hà
Tuy nhiên, để triển khai sâu rộng và bền vững, các đại biểu cũng chỉ ra thách thức và đề xuất giải pháp. Trọng tâm là nhu cầu tập huấn chuyên sâu hơn cho giáo viên, mở rộng đối tượng tập huấn tới cán bộ quản lý nhà trường để tạo sự đồng thuận. Đặc biệt, yếu tố then chốt được nhấn mạnh là cần có chỉ đạo chính thức về mặt chính sách, chủ trương từ các cấp quản lý để tài liệu được áp dụng trên diện rộng, vượt ra khỏi khuôn khổ thí điểm. Việc phát triển tài liệu hỗ trợ học sinh (sổ tay, bài tập) cũng đã được đề xuất.
Hội thảo tổng kết tại Lào Cai khép lại với những đánh giá thực chất và các đề xuất cụ thể. Việc tiếp tục thúc đẩy lồng ghép giới trong hướng nghiệp, đào tạo nghề được kỳ vọng không chỉ mở rộng cơ hội công bằng cho học sinh mà còn góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng, hướng tới xóa bỏ định kiến giới, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số, đồng thời cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng chính sách liên quan.
Nguồn: Nhóm truyền thông AEA – CGFED