Với chủ đề “Bảo vệ các loài thụ phấn! Vì một tương lai không hóa chất trừ sâu cho trẻ em và môi trường”, Chiến dịch Bảo vệ con em chúng ta khỏi hóa chất trừ sâu độc hại (POC) năm 2024 kêu gọi bảo vệ các loài thụ phấn bằng cách dần loại bỏ các hóa chất trừ sâu độc hại (HHP) và thúc đẩy nông nghiệp sinh thái.
Mạng lưới hành động vì Hóa chất trừ sâu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PANAP), phối hợp với các tổ chức đối tác, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED sẽ khởi động Chiến dịch Bảo vệ con em chúng ta khỏi hóa chất trừ sâu độc hại (POC) năm nay vào ngày 17 tháng 5 và hưởng ứng Ngày Ong Thế giới (20 tháng 5) do Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) phát động, sau đó là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22 tháng 5) do Liên hợp quốc phát động, và Ngày Môi trường Thế giới (5 tháng 6) do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc UNEP phát động. Chiến dịch POC sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm, đỉnh điểm là Tuần lễ Không sử dụng Hóa chất trừ sâu, từ ngày 3 đến ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Chủ đề của Ngày Ong Thế Giới 2024 do FAO phát động mang tên “Ong đồng hành cùng giới trẻ”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ong và các loài thụ phấn trong cuộc sống của chúng ta cũng như vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc thu hút giới trẻ cùng tham gia bảo vệ các loài thiết yếu này. Những nỗ lực này giúp chúng ta đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ các cộng đồng nông dân và chống lại tình trạng suy giảm đa dạng sinh học!
Tại Việt Nam, Ngày 9/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2693/BTNMT-TTTT và 2964/BTNMT-TTTT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học và các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05 tháng 6), Tháng hành động vì môi trường năm 2024. Theo đó:
- Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 (ngày 22 tháng 5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, là lời kêu gọi các bên liên quan hãy cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”. Để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng, trong đó có nội dung Tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục đồng thời thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên. Chi tiết, mời xem thêm tại đây.
- Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience) nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Cùng hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bao gồm các hoạt động cộng đồng như: Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao. Chi tiết, mời xem tại đây.
Các thông điệp kêu gọi hành động của chiến dịch năm nay:
- Bảo vệ các loài thụ phấn, loại bỏ hóa chất trừ sâu!
- Tạo dựng và nuôi dưỡng một tương lai bền vững không hóa chất trừ sâu
- Bảo vệ con em chúng ta, loại bỏ hóa chất trừ sâu độc hại cao!
- Nông nghiệp sinh thái vì tương lai con em chúng ta!
- Đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống trên Trái đất.
- Đa dạng sinh học – Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên.
- Bảo vệ muôn loài, cuộc sống muôn màu.
- Bảo vệ sự sống hôm nay, vì tương lai xanh ngày mai.
- Bảo tồn thiên nhiên là tiền đề của phát triển bền vững.Mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái.
- Hành tinh của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta! Hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững.
- Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Một tương lai khỏe mạnh khởi nguồn từ trẻ em
Thực trạng sử dụng rộng rãi hóa chất trừ sâu trên thế giới hiện nay gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với trẻ em – nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương nhưng thường bị bỏ qua. Hóa chất trừ sâu, bệnh chủ yếu được sử dụng trong nông nghiệp, y tế cộng đồng, và thậm chí trong các sản phẩm gia dụng, dẫn đến việc trẻ em bị phơi nhiễm đáng kể qua nhiều đường dẫn như thực phẩm, nước và không khí bị ô nhiễm hóa chất.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn sản xuất nông nghiệp, rất dễ bị phơi nhiễm hóa chất trừ sâu do cơ thể đang ở giai đoạn phát triển, lượng thức ăn và nước uống nạp vào cao hơn so với trọng lượng cơ thể và do sinh sống gần các khu vực sử dụng hóa chất trừ sâu phổ biến trên diện rộng. Trẻ em nông thôn ở Việt Nam bị phơi nhiễm hóa chất trừ sâu qua tiếp xúc trực tiếp và trôi dạt (theo báo cáo rà soát dữ liệu về ngộ độc hóa chất trừ sâu không chủ ý (UAPP) do PANAP và các đối tác thực hiện năm 2023).
Trẻ em tiếp xúc với hóa chất trừ sâu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm rối loạn phát triển, các vấn đề về hô hấp, suy giảm thần kinh và thậm chí gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Hơn nữa, những thiệt hại về môi trường do sử dụng hóa chất trừ sâu bao gồm thoái hóa đất, ô nhiễm nước và gây hại cho đa dạng sinh học, một lần nữa nhấn mạnh thêm tính cấp bách của việc giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, trẻ em thường thiếu quyền tự chủ và tiếng nói trong các quyết định liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu, khiến các em bị ảnh hưởng nhiều hơn từ các tác động tiêu cực của các hóa chất độc hại.
Báo cáo thực trạng sử dụng hóa chất trừ sâu ở bốn quốc gia Châu Á gồm Bangladesh, Ấn Độ, Lào và Việt Nam do PANAP và các đối tác thực hiện và các dữ liệu ghi nhận cho thấy trẻ em tiếp xúc với hóa chất trừ sâu, bao gồm cả những hóa chất có độ độc hại cao. Ngoài ra, trường học được kỳ vọng là môi trường an toàn cho trẻ học tập và phát triển, tuy nhiên, nhiều học sinh ở nông thôn và thành thị bị tiếp xúc thụ động với hóa chất trừ sâu. Việc thiết lập các vùng đệm không có hóa chất trừ sâu là rất cấp bách quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ em.
Quyền được sống trong một môi trường trong sạch
Quyền của trẻ em được có một môi trường trong sạch liên tục bị thách thức. Tình trạng mất đa dạng sinh học do hóa chất trừ sâu gây ra hiện đang rất đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn đối với các hệ sinh thái và các loài cư trú. Hóa chất trừ sâu gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học do tác động độc hại của chúng đối với nhiều loài sinh vật khác nhau, bao gồm cả các loài thụ phấn quan trọng như loài ong. Neonicotinoid – các hóa chất trừ sâu có hệ thống thường được sử dụng trong nông nghiệp – đã được chứng minh là đặc biệt có hại cho quần thể ong. Các hóa chất này cản trở hướng di chuyển của ong, cách tìm kiếm thức ăn và khả năng sinh sản, làm gián đoạn các hoạt động thụ phấn thiết yếu để đảm bảo năng suất nông nghiệp và chức năng của hệ sinh thái. Ngoài ra, các loại hóa chất trừ sâu khác như organophosphate và pyrethroid cũng gây nguy hiểm cho các loài thụ phấn và các loài không phải đối tượng phòng trừ khác vì chúng tích tụ trong đất, nước và mô thực vật làm ô nhiễm nguồn thực phẩm và khiến sinh vật tiếp xúc với nồng độ có hại theo thời gian.
Do đó, sự suy giảm của quần thể các loài thụ phấn và côn trùng có ích dẫn đến mất đa dạng sinh học, phá vỡ quá trình sinh thái và làm giảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Ngoài ra, việc lạm dụng hóa chất trừ sâu góp phần làm suy giảm đa dạng sinh học bằng cách làm suy giảm chất lượng môi trường sống và sự đa dạng của các loài, gây hại cho các sinh vật không phải đối tượng phòng trừ và phá vỡ các tương tác, cuối cùng làm thay đổi cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái. Do đó, chiến dịch POC cũng sẽ nêu bật các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, bằng cách tăng cường bảo vệ ong và các loài thụ phấn khác.
Bảo vệ tiếng nói của giới trẻ vì một tương lai bền vững
Ưu tiên bảo vệ trẻ em khỏi hóa chất trừ sâu và thúc đẩy các lựa chọn thay thế lành mạnh như nông nghiệp sinh thái không chỉ giúp hoàn thành nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế mà còn đóng góp vào phúc lợi chung và triển vọng tương lai của trẻ em. Hãy cùng chúng tôi tạo dựng một thế giới nơi mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển trong một môi trường an toàn và không có hóa chất trừ sâu nhằm:
- Nâng cao nhận thức của phụ huynh, giáo viên, các nhà hoạch định chính sách, những người ủng hộ trẻ em về tác động tiêu cực của hóa chất trừ sâu đối với trẻ em, môi trường, và đa dạng sinh học của các loài thụ phấn;
- Thu hút trẻ em và thanh thiếu niên tích cực tham gia vào các nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua việc bảo vệ các loài thụ phấn và thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, đa dạng sinh học
- Vận động chính quyền và trường học ủng hộ quyền được có một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững của trẻ em bằng cách đảm bảo mọi không gian cho trẻ hoàn toàn không có hóa chất trừ sâu;
- Vận động chính quyền ủng hộ và hỗ trợ các chương trình thúc đẩy các giải pháp nông nghiệp sinh thái thay thế, dần loại bỏ các HHP;
Tham gia Chiến dịch POC 2024 bằng cách nào?
Hãy tham gia chiến dịch POC 2024 cùng chúng tôi, với chủ đề “Bảo vệ các loài thụ phấn! Vì một tương lai không hóa chất trừ sâu cho trẻ em và môi trường” theo cách sau:
- Tham gia chiến dịch POC Ong và Các loài thụ phấn của chúng tôi và chia sẻ các nguồn lực sẵn có cũng như tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch tại cộng đồng hoặc trực tuyến. Hãy chia sẻ với chung tôi về kế hoạch các hoạt động bảo vệ ong và các loài thụ phấn của bạn.
- Sử dụng và khai thác các tài liệu sẵn có cho chiến dịch của bạn: thiên đường ong mật, chiến dịch Bảo vệ loài Ong, hoặc ong và các loài thụ phấn.
- Vận động các chính phủ và trường học thiết lập các vùng đệm không có hóa chất trừ sâu xung quanh trường học;
- Vận động đưa nội dung truyền thông – giáo dục về tác hại của hóa chất trừ sâu và các giải pháp nông nghiệp sinh thái thay thế vào chương trình ngoại khóa ở trường hoặc bữa ăn học đường không hóa chất trừ sâu tại trường học.
- Vận động nhà nước thúc đẩy các giải pháp nông nghiệp sinh thái và ủng hộ các mục tiêu toàn cầu nhằm loại bỏ các HHP trong nông nghiệp vào năm 2030
- Sử dụng các hashtags: #PollinatorsNotPesticides #ProtectOurChildren #WorldBeeDay #BiodiversityDay #BeeEngagedWithYouth
Thông tin ngắn gọn về Chiến dịch, mời xem tại đây: Tờ phát tay POC 2024_resized.