Với chủ đề “Chung tay hành động vì tương lai: tăng trưởng, ấm no, bền vững”, ngày Lương thực Thế giới (WFD) năm nay (16 tháng 10 năm 2020) kêu gọi hành động toàn cầu với ba thông điệp chính: Ứng phó, phục hồi và phòng ngừa đại dịch; chuyển đổi hệ thống lương thực thông qua đổi mới sáng tạo; thay đổi hành vi để có chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng.
Là cộng đồng đã có nhiều năm đồng hành cùng chiến dịch 16 ngày Hành động vì Nông nghiệp Sinh thái được tổ chức hàng năm do Mạng lưới Hành động vì Hoá chất Trừ sâu khởi xướng và phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) triển khai tại Việt Nam, mong muốn về một nền nông nghiệp sinh thái là khát khao của nhiều phụ nữ nông thôn. Bởi vậy, một số nữ nông dân huyện Hải Hậu đã tìm cách thay đổi thói quen sản xuất, không lệ thuộc vào hóa chất trừ sâu trong canh tác trồng trọt chăn nuôi. Thay thế việc phun hóa chất trừ sâu bằng các nguyên liệu sinh học tự chế từ các loại rau, củ, quả từ thiên nhiên ở địa phương trồng được như củ tỏi, quả ớt củ gừng; Thực hiện mô hình trồng trọt chăn nuôi khép kín, chị em được hướng dẫn và khuyến khích sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ giải quyết được đồng thời vấn đề chi phí để xử lý chất thải, tiết kiệm được chi phí phân bón, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Tiêu biểu như mô hình nuôi giun quế ở xã Hải Cường, Hải Sơn.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi làm ảnh hưởng không nhỏ tới nền sản xuất nông nghiệp, khiến nhiều nông dân lâm vào tình trạng khó khăn do sản phẩm nông nghiệp làm ra không tiêu thụ được … tuy nhiên, người nông dân Hải Hậu vẫn tin tưởng và hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, tốt cho sức khỏe và môi trường.