Sáng 30/11, hàng trăm thanh niên thủ đô đã tham gia vào cuộc đạp xe khép lại “Hành trình cam”, nhằm hưởng ứng chiến dịch toàn cầu của Liên Hợp Quốc “16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.
Với mục đích nâng cao nhận thức, thúc đẩy các hành động thiết thực để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, năm 2008, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã lựa chọn ngày 25/11 hàng năm là “Ngày cam” – Ngày thế giới về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và thực hiện chiến dịch UNiTE kéo dài 16 ngày bắt đầu từ 25/11. Trên thế giới, các Tổ chức của Liên Hợp Quốc, Tổ chức xã hội dân sự đã thực hiện nhiều hoạt động để hưởng ứng ngày này, với rất nhiều chủ đề khác nhau.
Hưởng ứng chiến dịch này của Liên Hợp Quốc, năm nay Việt Nam phát động chiến dịch “Hành trình cam” kéo dài suốt 16 ngày, với sự tham gia của 3 mạng lười Hành động về giới gồm: Mạng Giới và Phát triển cộng đồng (GENCOMNET), Mạng lưới Phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam (DOVIPNET), Mạng lưới Trao quyền cho Phụ nữ (NEW) do tổ chức UNWOMEN tại Việt Nam hỗ trợ tài chính. Đây cũng là lần thứ 3 Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch UNiTE của Liên Hợp Quốc, kể từ năm 2011 đến nay. Chiến dịch “Hành trình cam” gồm nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có hoạt động đạp xe cổ động vào ngày 30/11, ngày cuối cùng của chiến dịch.
Chị Shoko Ishi Kawa – Đại diện quốc gia Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đằng giới và Mạng lưới trao quyền cho phụ nữ chia sẻ: “Đây là hành động thiết thực của các bạn sinh viên, những người làm chủ tương lai của đất nước, là đối tượng tiên phong có thể thay đổi những quan niệm không đúng đắn, lan truyền rộng rãi thông điệp chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đến tất cả mọi người”.
Đại diện Ban tổ chức cũng cho biết, “Hành trình màu cam” sẽ lan tỏa không khí của “Ngày cam 2013” đến khắp các tuyến đường Hà Nội để cùng hành động trong 16 ngày.
Sáng nay, bất chấp cái buốt giá của tiết trời mùa đông buổi sớm, hàng trăm Thanh niên thủ đô đã tham gia buổi đạp xe với thông điệp “Chấm dứt bạo lực – Khởi đầu yêu thương”. Khẩu hiệu này được thể hiện dưới nhiều hình thức: băng rôn cài trên tóc, đính trên ngực áo và bóng bay cài trên mỗi chiếc xe đạp. Tất cả đều mang một sắc cam rực cháy và nồng nhiệt.
Lý giải về sắc cam, đại diện Ban tổ chức của chương trình là CGFED cho biết: “Màu cam là màu biểu tượng trong ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ được Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon chọn từ năm 2008 đến nay.
Bên cạnh hoạt động đạp xe, chương trình diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như Freezing flashmob, hô khẩu hiệu và chụp hình, thu hút sự chú ý của đông đảo các bạn trẻ.
Đỗ Dung