Theo quy định của pháp luật và nằm trong chu trình cấp phép khai khoáng thì các doanh nghiệp khai khoáng đều phải đánh giá tác động môi trường. Trong quá trình đánh giá tác động môi trường, việc cộng đồng được biết những thông tin có liên quan đến doanh nghiệp từ tên công ty đến những hạng mục đầu tư cơ bản và đặc biệt là những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình khoáng ảnh hưởng tới cộng đồng và những cam kết của doanh nghiệp trong việc khắc phục những vấn đề có thể nảy sinh… là quyền thông tin của người dân sống trong khu vực khai khoáng.
Một trong những chỉ báo để có thể xem xét đến việc cộng đồng có thông tin về doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn hay không đó là nhớ được tên của doanh nghiệp, đây là chỉ báo đơn giản nhất.
Kết quả nghiên cứu “Tác động Xã hội và Môi trường của hoạt động khai khoáng đối với cộng đồng sinh sống trong khu vực khai khoáng” (Nghiên cứu tại Thái Nguyên và Bình Định) cho thấy gần như 100% người dân nhớ được ít nhất tên 1 doanh nghiệp đang khai thác trên địa bàn mình sinh sống và gần với mình nhất. Trong đó, có khoảng 70% người trả lời nhớ được từ 1 đến 2 tên doanh nghiệp.
Những thông tin đơn giản như tên của doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn, cộng đồng được biết qua những kênh thông tin nào? Chỉ báo về kênh thông tin cũng có thể cho thấy mức độ minh bạch thông tin trong quá trình khai khoáng nếu thông tin đó được chuyển tải đến cộng đồng từ chính quyền hoặc doanh nghiệp ở nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, các khu khai thác thường không cách xa hoặc nằm xen kẽ trong cộng đồng khiến sự hiện diện của các doanh nghiệp không cần quảng bá thì người dân đều có thể tự quan sát được qua các biển tên công ty hoặc mỗi lần xảy ra sự vụ cần phản ánh hoặc phàn nàn trong cộng đồng thì các tên doanh nghiệp sẽ được nhắc đến. Và tất cả những điều đó đều là nguồn thông tin mà qua đó cộng đồng biết đến doanh nghiệp đang khai khoáng trên địa bàn.
Nghiên cứu này cũng cho thấy có sự khác biệt khác biệt về giới tính trong sự tiếp cận thông tin về doanh nghiệp. Dường như nam giới thường có nhiều thông tin về doanh nghiệp hơn nữ giới. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ nữ giới có thể kể tên đến 2 doanh nghiệp cao hơn nhưng tỷ lệ nam có thể kể được 3 doanh nghiệp trở lên lại cao hơn nữ khá nhiều. Sự khác biệt theo giới tính không phụ thuộc vào nơi cư trú cho thấy nam thường có nhiều thông tin về doanh nghiệp đang khai khoáng trên địa bàn nhiều hơn nữ là phổ biến.
Tại sao có sự khác biệt phổ biến như vậy?
Sự khác biệt về giới tính trong việc ai thường là người đại diện cho hộ gia đình tham dự các cuộc họp có liên quan đến hoạt động khai khoáng trên địa bàn mỗi khi được triệu tập ở các cấp, từ cấp họp thôn đến họp cùng công ty hoặc cao hơn… Nam giới thường là người đại diện cho gia đình trong những giao dịch, họp bàn có liên quan đến khai khoáng trên địa bàn.
Như vậy, những thông tin chủ yếu mà cộng đồng được biết chính thức hoặc không chính thức chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng và được cung cấp trong quá trình giải phóng mặt bằng. Những thông tin liên quan đến môi trường trong quá trình khai khoáng dường như là bị bỏ qua, người trả lời không có thông tin liên quan đến vấn đề môi trường. Đây là vấn đề mà lẽ ra cộng đồng phải được cung cấp ngay từ khi các doanh nghiệp đánh giá tác động môi trường, một thủ tục quan trọng trong quá trình cấp phép khai khoáng.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thực tế cộng đồng chưa thực sự được tôn trọng, những hệ lụy có thể xảy ra trong quá trình khai khoáng ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng nhưng họ không được cung cấp thông tin, bàn bạc ý kiến để ít nhất biết được điều gì có thể xảy ra để ứng phó, điều gì đang xảy ra để thích nghi… Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến các giải pháp bảo vệ môi trường mà cộng đồng biết đến là thông tin tạo quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quỹ bảo vệ môi trường này cụ thể như thế nào thì không trường hợp nào biết, ngay cả cán bộ cơ sở cũng không có thông tin về quỹ này, chuyển về địa phương bao nhiêu và được sử dụng ra sao.
___________________________________________________________________________
Nguồn: Báo cáo nghiên cứu
Tác động Xã hội và Môi trường của hoạt động khai khoáng đối với cộng đồng sinh sống trong khu vực khai khoáng
(Nghiên cứu tại Thái Nguyên và Bình Định)
Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia Đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED)