(Gothenburg, Sweden và Hà nội, Việt Nam) Một báo cáo mới nhất cho thấy: Quy định về sơn chì có hiệu lực sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng để loại bỏ một trong những mối đe doạ phổ biến nhất về nhiễm độc chì đối với trẻ em. Các Tổ chức Phi chính phủ (NGO) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ban hành và thực hiện các quy định quốc gia đó.
“Sơn chì là một trong những nguồn tiếp xúc chì phổ biến nhất ở trẻ em và có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn và không thể phục hồi ở não đang phát triển của trẻ em. Sơn chì có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) và khả năng tập trung, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi. Không có mức độ phơi nhiễm chì nào là không gây hại, và do đó chúng ta cần nỗ lực phối hợp để cấm tất cả các loại sơn có chứa chì”,ông Jeiel Guarino, Nhà vận động quốc tế về loại bỏ sơn chì cho biết.
Một cuộc khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy rằng sơn chì vẫn chưa được quản lý ở đa số các quốc gia, mặc dù mục tiêu toàn cầu là loại bỏ sơn chì vào năm 2020. Tính đến 31/5/2020, chỉ 39% quốc gia xác nhận đã có các quy định pháp lý để kiểm soát đối với sơn chì. Tuy nhiên, nhiều quy định trong số đó vẫn chưa đủ bảo vệ sức khoẻ con người vì bao gồm các trường hợp miễn trừ, giới hạn lỏng lẻo, hoặc không được thực thi.
Kết quả đạt được cho đến nay phần lớn là nhờ nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy và tạo động lực cho quá trình xây dựng các luật mới/quy định mới hoặc thúc đẩy việc thực thi các luật/quy định sẵn có ở gần 50 quốc gia trong 12 năm qua.
“Thật đáng khích lệ khi thấy các quốc gia áp dụng luật/quy định mới, mạnh mẽ hơn để cấm sơn chì. Các NGOs đã mang tới những quan điểm, trải nghiệm độc đáo và là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy mục tiêu loại bỏ sơn chì ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu”, chia sẻ của Ông Manny Calozo, Cố vấn của Mạng lưới quốc tế loại bỏ các chất gây ô nhiễm IPEN.
Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) là sáng kiến của Liên minh Toàn Cầu về Loại bỏ Sơn chì (Liên minh Sơn chì), do chương trình Môi trường Liên hợp quốc cùng Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng. Sự kiện này được tổ chức hàng năm và năn nay là sang năm thứ 8, diễn ra từ ngày 25-31/10/2020. Trọng tâm của Tuần lễ hành động năm nay là cần đẩy nhanh tiến độ hướng tới loại bỏ sơn có chì trên toàn cầu thông qua các biện pháp ràng buộc và pháp lý. Đồng thời Tuần lễ này cũng tôn vinh những kết quả đã đạt được ở các quốc gia cũng như nêu bật sự khẩn thiết kêu gọi hành động bổ sung thông qua các hoạt động của các NGOs tại các quốc gia đó.
Tại Việt Nam, từ năm 2016, chiến dịch hưởng ứng Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì được Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) tổ chức hàng năm với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Và năm nay, Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy việc sớm ban hành và thực hiện Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn với giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600ppm tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, ≤ 200ppm sau 3 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và ≤ 90ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.
Theo lộ trình này, mức giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn dưới 600ppm sau khi Thông tư có hiệu lực hoặc dưới 200ppm sau 3 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực vẫn là cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khoẻ cho con người. Hàm lượng chì trong sơn an toàn với sức khoẻ con người và cộng đồng theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) là ≤ 90ppm. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Phillippines, Nepal, Bangladesh, Israel, Jordan, Kenya, Cameroon,… đã thực hiện theo khuyến cáo này của WHO.
“Việc sử dụng chì trong sơn đã bị cấm ở nhiều nước phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Các giải pháp thay thế hiệu quả để các thành phần sơn không có chì đã được phổ biến rộng rãi ở các quôc gia này. Tuy nhiên, trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương suốt đời và không thể phục hồi do tiếp xúc với chì trong sơn. Và do đó, sơn chì cần phải được loại bỏ ở Việt Nam”, Bà Nguyễn Kim Thuý, Giám đốc điều hành CGFED phát biểu.
Để đẩy nhanh nỗ lực loại bỏ sơn chì trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới, chúng tôi kêu gọi:
- Các cơ quan quốc tế tiếp tục cung cấp các hướng dẫn và thông tin tới chính phủ của các quốc gia đang tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc thiết lập các biện pháp kiểm soát đối với sơn chì.
- Chính phủ của các quốc gia ngay lập tức thực hiện các bước để xây dựng các quy định về sơn chì với sự tham vấn của các bên liên quan trong nước.
- Các nhà sản xuất sơn, các hiệp hội sơn, ngành công nghiệp sơn và các nhà cung cấp các thành phần sơn phải thực hiện hành động tự nguyện ngay lập tức để loại bỏ chì khỏi tất cả các loại sơn.
- Các nhà tài trợ cung cấp các nguồn lực mới đáng kể để loại bỏ sơn chì trên toàn cầu, trọng tâm vào các hành động chiến lược quốc gia.
- Tại Việt Nam, Chính phủ cần sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn với giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤90ppm.
Giới thiệu về chúng tôi:
IPEN (Mạng lưới Quốc tế loại bỏ các chât gây ô nhiễm), mạng lưới về sức khoẻ môi trường toàn cầu của hơn 600 tổ chức ở 124 quốc gia, hoạt động để loại bỏ và giảm thiểu các chất độc hại nhất để tạo ra một tương lai không độc tố.
CGFED (Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển) là một tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam được thành lập từ năm 1993, hành động vì Bình đẳng giới dựa trên nền tảng tôn trọng quyền tự do, sự đa dạng và quyền của con người. Các vấn đề chính mà CGFED tập trung ưu tiên bao gồm Quyền tình dục cho thanh niên; nâng cao và trao quyền cho các nhóm thiểu số, nghèo; và bảo vệ con người, đặc biệt là bảo vệ trẻ em khỏi các hoá chất độc hại.
Người liên hệ:
Mạng lưới Quốc tế: Ông Jeiel Guarino, Nhà vận động quốc tế về Loại bỏ Sơn chì,
email: jeielguarino@ipen.org
Tại Việt Nam: Bà Nguyễn Kim Thuý, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED),
email: nkthuy@cgfed.org.vn