Dòng chảy của rác thải điện tử đi từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển, trong đó có Việt Nam, qua cả con đường hợp pháp và phi pháp cộng với rác thải điện tử nội sinh đã khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn để giải quyết vấn đề này.
Ngày 3/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) và mạng lưới Ban Toxics-châu Á Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo “Bổ sung lệnh cấm xuất khẩu các chất thải độc hại xuyên biên giới theo Công ước Basel – Kinh nghiệm một số nước.”
Hội thảo giúp các đại biểu tham dự cùng tìm hiểu về bổ sung lệnh cấm (BBA), kinh nghiệm của một số nước (Thụy Sĩ và Indonesia) đã phê chuẩn sửa đổi bổ sung lệnh cấm xuất khẩu theo Công ước Basel; thách thức Philippines phải đối mặt khi tham gia phê chuẩn bổ sung lệnh cấm; thảo luận về những lợi ích và thách thức nếu Việt Nam phê chuẩn bổ sung lệnh cấm xuất khẩu theo Công ước Basel.
Bà Cythia Indirani – Trung tâm vùng Đông Nam Á về Công ước Basel (BCRA-BASEL) – cho biết: “Chất thải điện tử” hay “thiết bị điện-điện tử thải” là các sản phẩm dân dụng và công nghiệp không đáp ứng được mục đích sử dụng thiết kế, các sản phẩm đã đến điểm cuối của vòng đời sử dụng có hàm chứa chất độc nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Hiện rác thải điện tử ở Việt Nam đang rất báo động, dòng chảy của rác thải điện tử đi từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển trong đó có Việt Nam qua đường hợp pháp là các công ty được phép tạm nhập tái xuất, nhập khẩu hàng điện tử cũ…, đường không hợp pháp là qua các cửa khẩu chính ngạch (lợi dụng sơ hở của hải quan) và đường tiểu ngạch (buôn lậu xuyên biên giới), rác thải điện tử nội sinh như thiết bị điện tử hết hạn sử dụng.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết, dễ gây tâm lý chủ quan với những tác hại mà các chất độc này có thể gây ra, những hóa chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ra các chứng bệnh rất khó chữa trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như bệnh ung thư, bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và thần kinh…
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất cho rằng Công ước Basel là cột mốc cho chính sách phòng chống và là sự ràng buộc mang tính pháp lý về chất thải nguy hại và việc buôn bán nó.
Công ước ra đời do việc xuất khẩu chất thải được khuyến khích từ các nước phát triển tới các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, Công ước chính là công cụ pháp lý – một điều luật quốc tế với mục đích rõ ràng là khích lệ và giảm thiểu việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại, giảm thiểu việc sản sinh các chất thải nguy hại.
Khi có hiệu lực, Công ước Basel sẽ là một cam kết được hoàn thành của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) 1992.
Với mục tiêu lâu dài, đó là sự đoàn kết giữa các nước đang phát triển để bảo vệ môi trường; rào cản pháp lý bắt buộc về thương mại; công cụ pháp lý cho môi trường toàn cầu; công cụ cho việc sản xuất sạch…/.
LÝ THANH HƯƠNG (TTXVN)
Nguồn: vietnamplus.vn