
Thái Nguyên, ngày 28 tháng 6 năm 2025 – Trung tâm nghiên cứu về Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tổ chức thành công Chương trình Tổng kết Dự án “Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho sinh viên Đại học Thái Nguyên” – Giai đoạn 2 (2024 – 2025). Sự kiện đánh dấu 8 tháng triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện cho sinh viên ĐHTN, đặc biệt là sinh viên dân tộc thiểu số.
Dự án “Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục cho sinh viên Đại học Thái Nguyên” do ĐHTN chủ trì với sự hỗ trợ chuyên môn của CGFED và tài trợ của Hội Hữu nghị Đan Mạch – Việt Nam (DVA) được triển khai từ tháng 11/2024 – tháng 06/2025, tiếp nối thành công của dự án giai đoạn thí điểm (2018 – 2021),
Tham dự chương trình tổng kết dự án có sự tham gia của đại biểu đến từ ĐHTN; CGFED; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tinh Thái Nguyên (CDC); các trường THPT trên địa bàn; các giảng viên và sinh viên nòng cốt giai đoạn 2. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia trực tuyến của đại biểu từ 2 phân hiểu của ĐHTN tại tỉnh Hà Giang và Lào Cai; Đoàn Thanh niên các trường đại học quốc gia và đại học vùng.
PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc ĐHTN
Bà Nguyễn Kim Thúy – Giám đốc CGFED
Ông Nguyễn Đức Thịnh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên
Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện – Nhu cầu thiết yếu của sinh viên
Giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện, một nhu cầu thiết yếu đối với sinh viên bởi đây là vấn đề còn nhiều thách thức trong giáo dục đại học và các cấp học khác tại Việt Nam. Sinh viên – đặc biệt là sinh viên năm nhất, sinh viên dân tộc thiểu số – thường thiếu thông tin chính xác, khoa học và toàn diện, dễ gặp khó khăn trong các tình huống liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, các vấn đề tâm lý và các mối quan hệ hoặc ra quyết định cá nhân.
Xuất phát từ nhu cầu đó, giai đoạn 2 của Dự án được ĐHTN mở rộng triển khai mô hình từ 5 lên 12 đơn vị thành viên trong toàn Đại học Thái Nguyên, trong đó có hai phân hiệu của ĐHTN tại tỉnh Hà Giang và Lào Cai.
Hành trình 8 tháng lan tỏa kiến thức và giá trị tích cực
Ngay từ tháng 12/2024, ĐHTN đã tổ chức Hội thảo khởi động và ký kết thỏa thuận hợp tác với CGFED, đồng thời thành lập Ban Quản lý và Ban Điều phối Dự án để triển khai các hoạt động theo kế hoạch. Trong 8 tháng, các hoạt động đã được triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, với những con số ấn tượng:
- 35 Cán bộ nòng cốt (cán bộ Đoàn – Hội, cán bộ y tế, giảng viên) được tập huấn chuyên sâu về giáo dục SKSS/TD và kỹ năng truyền thông.
- 50 sinh viên nòng cốt từ 12 trường/khoa được đào tạo và trực tiếp xây dựng kế hoạch truyền thông đồng đẳng.
- 360 sinh viên được tập huấn tại 12 đơn vị, tạo thành mạng lưới tuyên truyền viên tại cơ sở ((46,4% nam, 53,9% DTTS)
- Các sinh viên được tập huấn tại 12 đơn vị thực hiện truyền thông đồng đẳng đến hơn 6.186 sinh viên, vượt xa chỉ tiêu đề ra (500 sinh viên).
- 12 sự kiện truyền thông cấp trường và 01 sự kiện truyền thông chung toàn Đại học Thái Nguyên được tổ chức với sự tham gia của trên 4.321 sinh viên, trong đó 47.5% là nam và trên 51% là sinh viên dân tộc thiểu số.
- Hơn 2.584 sản phẩm truyền thông (clip, infographic, bài viết, poster…) được sản xuất và chia sẻ trên các kênh mạng xã hội với tổng lượng tiếp cận vượt 1,1 triệu lượt.
Sáng tạo, đa dạng và thân thiện với sinh viên
Điểm nổi bật của Dự án là cách tiếp cận mang tính tương tác và thân thiện với giới trẻ. Các hoạt động truyền thông được tổ chức dưới nhiều hình thức sáng tạo như:
- Trạm kiến thức “6 trong 1” tại sự kiện toàn trường với chủ đề về giới và bình đẳng giới, tình dục an toàn, quyền cơ thể, mối quan hệ lành mạnh, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai…
- Tọa đàm, talkshow, diễn đàn sinh viên như “Yêu an toàn – Sống trách nhiệm”, “Cơ thể tôi – Quyền của tôi”…
- Cuộc thi tranh biện sinh viên với các chủ đề “nóng” về tình dục, khoái cảm, quyền cá nhân và định kiến giới.
- Thiết kế và trưng bày sản phẩm truyền thông sáng tạo do sinh viên thực hiện.
- Truyền thông mạng xã hội (TikTok, Instagram, Facebook…) kết hợp các minigame, quiz trực tuyến, livestream…
Các hoạt động đều có sự tham gia cố vấn chuyên môn của đội ngũ cán bộ nòng cốt và chuyên gia của CGFED nhằm đảm bảo tính chính xác, phù hợp và hiệu quả giáo dục.
Từ trường đại học tới trường phổ thông và cộng đồng – Mở rộng tác động của Dự án
Không chỉ dừng lại ở sinh viên, Dự án còn mở rộng tiếp cận tới học sinh phổ thông. Một buổi tập huấn về giáo dục SKSS và bình đẳng giới đã được tổ chức thành công tại Trường THPT Ngô Quyền (TP. Thái Nguyên), thu hút 60 học sinh tham gia, mở ra triển vọng nhân rộng mô hình này ra ngoài phạm vi trường đại học.
Đặc biệt, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, dự án mở rộng truyền thông đến tận thôn bản.
Trao thưởng
Tại buổi tổng kết, BTC đã đọc quyết định khen thưởng của Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Đại diện BGĐ, PGS.TS Trần Thanh Vân đã trao khen thưởng cho các tập thể, cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia triển khai các hoạt động của Dự án – Giai đoạn 2.
Hướng tới giai đoạn tiếp theo
Với nền tảng thành công đã đạt được, CGFED, Đại học Thái Nguyên kỳ vọng tiếp tục hợp tác với các đối tác để lan tỏa và phát triển bền vững mô hình giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.