“Không có ngân hàng chúng tôi đâu dám làm lớn”, vừa luôn tay sắp hoa, bó cành anh Võ Công Danh vừa chia sẻ.
Với người nông dân ấp Núi Trung, xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai này, khoản hỗ trợ lên đến 15 tỷ đồng từ Agribank Đồng Nai như chiếc phao cứu cánh giúp anh tự tin để thực hiện hóa giấc mơ làm giàu chỉ trong vài năm.
Sau khi có vốn anh đầu tư công nghệ trồng hoa, cây giống cung ứng ra thị trường toàn quốc. Hiện nay, doanh thu hàng năm của anh lên con số hàng tỷ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Huy (ấp Thọ An, xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) ngày nay nổi tiếng khắp vùng, sở hữu một trong những trang trại bưởi lớn nhất. Với hơn 8 tỷ đồng ngân hàng Agribank hỗ trợ vay vốn, ông Huy đã biến cả vùng đồi đất thành trang trại bưởi da xanh, bơ với doanh thu cả chục tỷ đồng mỗi năm.
Tại Đồng Nai, những mô hình sản xuất tiêu biểu như gia đình như anh Danh hay ông Huy không còn là hiếm. Nhờ sự sát cánh từ các tổ chức tín dụng, trong đó của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại địa phương, nhiều nông dân đã trở triệu phú, tỷ phú ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là mục tiêu hướng đến của ngân hàng trong 30 năm qua.
Agribank Đồng Nai cho biết, đến cuối năm 2017, doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn của chi nhánh đạt 16.000 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm doanh số giải ngân tăng hơn 2.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 13.500 tỷ đồng (chiếm 92% tổng dư nợ). Đây cũng là ngân hàng có dư nợ đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Ở khu vực Tây Nam Bộ, Agribank Bến Tre cũng là một trong số điển hình cho hoạt động hiệu quả tại nông thôn.
Có 20 năm gắn bó với dòng vốn của Agribank Châu Thành (Bến Tre), khu vườn 4 hecta với 2.000 gốc bưởi da xanh của gia đình ông Đàm Văn Long tại ấp 7, xã An Phú đang đem giá trị kinh tế cao.
Ông Long cho biết, trước khi có vườn bưởi da xanh giá trị này, ông đã nhiều lần cải tạo vườn, thay đổi giống cây ăn trái nên khá tốn tiền đầu tư. “Nhờ có nguồn vốn của ngân hàng cung ứng kịp thời, đầy đủ, gia đình yên tâm từng bước cải tạo vườn, thay đổi giống, mạnh dạn đầu tư xây dựng đồng bộ các hạng mục khác…”, tỷ phú tại Bến Tre nói.
Theo Agribank Bến Tre, tính đến 31/3/2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh là 10.557,7 tỷ đồng, chiếm 95,2% tổng dư nợ với 87.991 khách hàng.
Đây là 2 trong hàng nghìn chi nhánh của Agribank trên toàn quốc đảm nhiệm sứ mệnh “bệ đỡ” cho tam nông: nông dân – nông thôn – nông nghiệp mà ngân hàng này theo đuổi 30 năm qua.
Theo lãnh đạo ngân hàng, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp khi là ngành duy nhất xuất siêu và có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
“Đồng hành, chia sẻ cùng với những trăn trở của người nông dân về các vấn đề liên quan như vốn, thị trường, đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… là mục tiêu xuyên suốt 3 thập kỷ của chúng tôi”, vị này cho hay.
Nhờ có mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, huyện đảo, Agribank luôn giữ vững vị thế dẫn đầu trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến thời điểm 30/4/2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng là 665.361 tỷ đồng, tăng 19.994 tỷ đồng so với 31/12/2017, chiếm 73,8% so với tổng dư nợ cho vay.
Trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là 140.087 tỷ đồng, số lượng khách hàng là 23.343 doanh nghiệp; tăng so với đầu năm 2.065 tỷ đồng với 9.792 khách hàng doanh nghiệp.
Để hỗ trợ sát sườn các hộ sản xuất và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, theo lãnh đạo ngân hàng, Agribank đã có nhiều gói lãi suất ở mức ưu đãi cho khách hàng ưu tiên thậm chí, có mức lãi suất còn thấp hơn mức phí điều vốn nội bộ trong nhà băng.
“Mặc dù cạnh tranh lãi suất huy động trên thị trường bình đẳng với các ngân hàng khác, song chúng tôi lại gánh trách nhiệm hoạt động trong lĩnh vực có tỷ trọng sinh lời thấp, chi phí cao, chịu nhiều rủi ro lớn từ thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh…”, vị đại diện bày tỏ.
Chưa kể, mỗi năm bằng tài chính tự có, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh việc cải tiến quy trình cho vay, tiết giảm chi phí để bất kỳ người nông dân nào cũng có thể tiếp cận được dòng vốn, thời gian qua Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn. Mô hình ngân hàng lưu động bằng ôtô chuyên dùng đưa vốn đến tay người nông dân với chi phí thấp hơn đang được nhiều bà con ghi nhận.
Nắm bắt xu thế, nhà băng này đang thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Ngân hàng được xem là bệ đỡ cho nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân.
Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó tổng giám đốc Agribank chia sẻ, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao trở thành bài toán sống còn cho chính ngân hàng cũng như nền nông nghiệp Việt Nam trước những thách thức từ khí hậu, môi trường và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Do đó, tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao được lãnh đạo ngân hàng định hướng rõ nét thông qua các chính sách cụ thể.
Chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng bằng vốn huy động thương mại, bắt đầu triển khai hồi cuối 2016 dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại…với lãi suất cho vay ưu đãi đang nhận được sự tham gia của nhiều mô hình sản xuất.
Ngân hàng còn cho phép vay tín chấp hoặc vay bảo đảm một phần, khách hàng được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống và giảm 50% theo mức phí quy định đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.
Ngoài ra, Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp), chăn nuôi heo (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La), hoa quả, rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên…
Agribank thành lập năm 1988, là ngân hàng thương mại duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến 31/12/2017, ngân hàng có trên 12 triệu khách hàng gửi tiền, 16 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, gần 4 triệu khách hàng hộ sản xuất và cá nhân đang vay vốn.
Thanh Thư