Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILLPW) được tổ chức hàng năm để đẩy nhanh tiến độ hướng tới loại bỏ sơn có chì trên toàn cầu.
Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILLPW) 2021 diễn ra từ ngày 24 đến 30/10/2021. Đây là sáng kiến của Liên minh Toàn cầu về Loại bỏ Sơn chì (Liên minh Sơn chì). Tuần lễ này được tổ chức hàng năm để đẩy nhanh tiến độ hướng tới loại bỏ sơn có chì trên toàn cầu thông qua các biện pháp ràng buộc và pháp lý. Đồng thời Tuần lễ này cũng tôn vinh những kết quả đã đạt được ở các quốc gia cũng như nêu bật sự khẩn thiết kêu gọi hành động bổ sung thông qua các hoạt động của các Tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) tại các quốc gia đó.
Đa phần tại các quốc gia, sơn chì vẫn chưa được quản lý nghiêm ngặt. Sơn chì vẫn được cho phép ở hơn 55 quốc gia và trẻ em người lao động là đối tượng tiếp xúc nhiều nhất với các loại sơn này. Tính đến 31/5/2020, chỉ 39% quốc gia xác nhận đã có các quy định pháp lý để kiểm soát đối với sơn chì. Tuy nhiên, nhiều quy định trong số đó vẫn chưa đủ bảo vệ sức khỏe con người vì bao gồm các trường hợp miễn trừ, giới hạn lỏng lẻo, hoặc không được thực thi.
Năm 2020, Việt Nam đã ban hành thông tư số 51 phê duyệt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn. Theo đó, giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600ppm trong thời hạn 5 năm đầu kể từ ngày Thông tư có hiệu lực và ≤ 90ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chì là một trong 10 kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Mỗi năm thế giới ghi nhận thêm mới khoảng 600.000 trẻ em bị ảnh hưởng trí tuệ và 143.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc chì, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Phơi nhiễm chì đặc biệt nguy hiểm với não bộ đang phát triển của trẻ em và có thể dẫn đến các hậu quả như: Suy giảm chỉ số thông minh (IQ) và làm trẻ em mất tập trung; khả năng học tập kém; gia tăng các nguy cơ và các vấn đề về hành vi. Trẻ em có nguy cơ nhiễm độc chì từ nhiều nguồn khác nhau như sơn pha chì, đồ chơi, hoạt động khai khoáng, tái chế ắc quy, ô nhiễm môi trường…
Theo VNMedia.vn